Quân đội Việt Nam tặng 1 tấn lương khô và vật tư y tế tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa trao tặng 1 tấn lương khô cùng các vật tư y tế cho chính quyền tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ công tác khắc phục hậu quả do thảm họa động đất
Tính đến chiều ngày 19-2 (theo giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất đã giúp phía bạn xác định được 14 vị trí có nạn nhân, trong đó có 2 địa điểm có dấu hiệu của sự sống.
Trong ngày 19-2, đoàn tiếp tục tìm kiếm nhiều địa điểm ở khu vực xã Cebrail thuộc Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ theo hiệp đồng với cơ quan điều phối địa phương.
Tại mỗi vị trí, đoàn thống nhất phương án với lực lượng cứu hộ địa phương, sử dụng chó nghiệp vụ và các trang bị dò tìm của công binh để trinh sát, tìm kiếm những nơi nghi có nạn nhân bị vùi lấp. Kết quả, trong ngày 19-2, tại hai ngôi nhà đổ sập ở khu vực trên, đoàn đã xác định được 2 vị trí có nạn nhân thiệt mạng. Theo sự điều phối chung, đoàn đã bàn giao lại hiện trường để đơn vị cứu hộ địa phương tổ chức đưa nạn nhân ra ngoài.
Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa trao tặng 1 tấn lương khô cùng các vật tư y tế cho chính quyền tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ công tác khắc phục hậu quả do thảm họa động đất.
Lễ trao tặng được tổ chức tại nơi đóng quân của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tại sân vận động Hatay ở Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, trưởng đoàn Việt Nam, bày tỏ chia sẻ trước những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ; khẳng định đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực hết khả năng để góp phần giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và người dân Hatay nói riêng sớm ổn định lại cuộc sống.
Thay mặt cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh đây là hành động thiết thực, góp phần tăng cường quan hệ song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ cho biết, cả hai đoàn của Việt Nam sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực giúp người dân hai tỉnh Hatay và Adyaman khắc phục hậu quả, được người dân Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền địa phương và các lực lượng cứu hộ quốc tế khác tin tưởng, đánh giá rất cao.
Thay mặt chính quyền Hatay, Phó thống đốc Yusuf Izci cảm ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian qua. Những món quà thiết thực trên sẽ góp phần giúp nhân dân Hatay vượt qua khó khăn, mất mát. Đặc biệt, vật tư y tế mà phía Việt Nam trao tặng sẽ nhanh chóng được chuyển tới các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế địa phương để phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Đã trải qua 7 ngày thực hiện nhiệm vụ của đoàn cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những bước chân của người lính mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng, vẫn miệt mài trên các con đường đầy đổ nát tại TP Antakya, tỉnh Hatay. Bộ đội ta đã tiếp cận từng ngõ ngách, từng khu vực đổ nát, không quản ngại nguy hiểm từ các nguy cơ sập đổ và dư chấn... để tìm những dấu hiệu sự sống của các nạn nhân cũng như thi thể những người bị vùi lấp…
Công việc tìm kiếm cứu nạn tại những đống đổ nát cạnh những tòa nhà cao tầng chỉ chực chờ đổ xuống này… đã trở nên quen thuộc với đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam. Tuy vậy, họ chưa khi nào chủ quan… Bởi, khu vực Antakya không ngày nào không xảy ra những cơn dư chấn. Vì vậy, việc đầu tiên cần phải làm trước khi bước vào những đống đổ nát, đó là khảo sát đường vào… và đặc biệt là phải có cả đường ra... đề phòng khi có sự cố bất trắc, cho đồng đội mình, và cho cả lực lượng cứu nạn của các nước khác…
Anh Mehmet Kocatepe, Thành viên đội cứu hộ cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ: "Rất cảm ơn sự có mặt của đội cứu hộ cứu nạn Việt Nam. Chỗ nào tại hiện trường thì tôi cũng thấy sự xuất hiện của đội cứu nạn Việt Nam, và họ hỗ trợ chúng tôi bất cứ khi nào chúng tôi cần đến. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bạn!".
Không chỉ những chiến sĩ công binh mà cả lực lượng bộ đội biên phòng cùng những chú chó nghiệp vụ được luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ mỗi ngày, để bảo đảm sức khỏe và tâm lý tốt nhất khi thực hiện nhiệm vụ… Máy móc, trang thiết bị cũng thường xuyên được bảo dưỡng, kiểm tra đạt trạng thái đáp ứng yêu cầu… Tất cả vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe và an toàn cho chính mình thì mới có thể hỗ trợ cứu nạn tốt nhất cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh Erkam, người dân Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ: "Từ những ngày đầu, các bạn cũng đã đến và giúp đỡ chúng tôi, các bạn thể hiện tinh thần rất hữu nghị, tình anh em thân thiết. Cảm ơn các bạn rất nhiều!"
Những người dân tại TP Antakya… dù vẫn còn đang sợ hãi, lo lắng sau 2 trận động đất kinh hoàng, nhưng họ vẫn luôn tìm kiếm những hi vọng trong đống đổ nát. Và họ gửi gắm hy vọng ấy vào các lực lượng cứu hộ, trong đó có những quân nhân với lá cờ đỏ sao vàng trên ngực trái bộ quân phục dã chiến, những người không quản ngại gian khổ, thậm chí chấp nhận những rủi ro, để tìm kiếm và cứu người bằng mọi giá…
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, trưởng đoàn cứu nạn cứu hộ, Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: "Nhiệm vụ của đoàn của chúng ta là đi dò tìm, đánh dấu các vị trí có nạn nhân, sau đó bàn giao cho bạn để bạn đi tìm. Bởi đây là quy định của cơ quan điều phối quốc tế, cũng như quy định của bạn. Bạn rất coi trọng công tác bảo đảm an toàn. Chúng ta rất sốt sắng, các đồng chí công binh muốn lao vào việc, nhưng nếu chúng ta không an toàn, bạn không cho làm vì chúng ta vẫn phải bảo đảm an toàn để thực hiện được các nhiệm vụ tiếp theo."