Quán gió những ngày xưa

Sáng nay trời thật lạnh, không phải gió mà là không khí lạnh. Tôi rời bàn phím, đi dạo một vòng quanh khu vườn, lá khô mùa đông rụng vàng những bước chân, mặt hồ đầy sương mai, hắt lên mùi rêu lẫn mùi của sương đang tan.

Và rồi nắng lên, mặt trời sáng bừng qua những tán cây xanh nhuộm màu vàng óng của nắng mai đang lên. Tôi vẫn thích đi dạo trong khu vườn nhỏ bên nhà vào những sớm mai như thế.

Một lúc sau, tôi trở vào ngồi trước bàn phím và tiếp tục viết… Ngày nào tôi cũng viết, không gian, thời gian ở đây theo nhịp sống chậm như những giọt cà phê nhểu xuống đáy ly qua cái phin nhôm lạnh tanh của ngôi "Quán Gió" đầu chợ tôi thường ngồi vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Ngôi quán tên "Lãng Du", nhưng một hôm tình cờ tôi ghé vào và đặt lại tên "Quán Gió" vì nó không có cửa, không có vách ngăn, thông thống qua một khoảng sân rộng với những bàn ghế thấp suốt ngày lộng gió. Trên đầu cái mái che lợp lá nhiều chỗ đã mục.

Thời gian sau đó, tôi trở thành khách quen của quán. Lần nào về quê, tôi cũng đi rửa xe và trong khi chờ lấy xe tôi đã bước sang quán Lãng Du gần đó uống cà phê. Và rồi, tôi đã gặp được chủ quán, cô Út Hương, cao như người mẫu, tóc dài, 25 tuổi, chưa lập gia đình, tâm điểm của những gã đàn ông suốt ngày ngồi la cà ở đây để tán tỉnh cô chủ quán xinh xắn thuộc "hàng hiếm" ở khu chợ xã mà phần lớn con gái đã rời làng lên thành phố từ lúc 13-14 tuổi để tìm cơ hội đổi đời. Út Hương có vẻ "chăm sóc" tôi khá đặc biệt, kéo ghế ngồi cạnh, khuấy cà phê cho tan trong ly rồi đổ vào ly có bỏ đá, khuấy tiếp, cười nhẹ, thắc mắc: "Sao anh đặt lại tên quán em là Quán Gió"? "Đơn giản vì nó có nhiều gió, suốt ngày chỉ gió và gió, tôi thích cái tên này". "Anh làm chết cái tên quán Lãng Du của em rồi, bắt đền đấy".

Tên quán Lãng Du của em vẫn còn gắn trên cánh cổng, tên Quán Gió chỉ là tên tôi thích theo cách của mình thôi. Có hề gì đâu! Út Hương ngước đôi mắt đen tròn, có đuôi dài chết người nhìn tôi: "Lại còn viết cả một cái truyện ngắn Quán Gió nữa." "Em đọc ở đâu?". "Trên báo mạng kìa, em đã đọc rồi chứ bộ". Và không hiểu sao, từ đó, hầu như những quán cà phê trong phạm vi chợ xã dù có tường ngăn gió, cửa che mưa, mái ngăn nắng đều bị những gã đàn ông uống cà phê ghiền hay lãng tử như tôi đặt tên lại là Quán Gió…

Nhưng rồi đúng như cái tên "Quán Gió" mà tôi đã đặt, theo thời gian đã không còn tồn tại nữa. Một lần tôi muốn ngồi ôn lại kỷ niệm với một cô bạn gái đã lấy chồng định cư ở nước ngoài nên đã lặn lội tìm lại ngôi "Quán Gió" ở cạnh bờ sông Thanh Đa nơi mà lần đầu gặp tôi, cô ấy đã đưa tôi tới "Quán Gió" này. Quán nằm trong con hẻm sâu từ mặt tiền đường dẫn suốt tới bờ sông với những chiếc bàn thấp và ghế bố nằm để khách vừa uống cà phê vừa nhìn thẳng ra mặt sông rộng. Ngôi quán ngày ấy rất rộng, bàn ghế đặt sát bờ sông rất tình tứ. Nhưng rồi tôi đi tìm mãi, tưởng mình đi lạc. Chừng hỏi ra mới biết ngôi quán ấy đã không còn hoạt động nữa, mặt bằng được trả lại, chủ cho thuê làm một xưởng cưa. Tôi đã hụt hẫng cả một buổi chiều và không tin rằng "Quán Gió" đầy kỷ niệm ấy đã biến mất.

Và cũng mới đây thôi, khi tôi về quê đi chợ Lộc Thuận, nhân lúc tính rửa chiếc xe gắn máy, tôi chạy tạt ngang qua quán cà phê Lãng Du của Út Hương mà tôi từng đặt tên là "Quán Gió", chợt thấy quang cảnh tiêu điều, tấm bảng quán Lãng Du đã bị gỡ, bên trong quán chỉ là một cái nền đất trống hoác, mái che ngôi quán đã cũ kỹ, mục nát, mấy hàng cột xiêu vẹo sắp đổ xuống. Người ở chỗ rửa xe cho tôi biết cô chủ quán đã trả lại mặt bằng và nghe đâu đã lên thành phố tìm việc làm hay lấy chồng gì đó không rõ. Trước cửa quán bây giờ chỉ còn lại cây trứng cá đã già hơn xưa, tàn lá xơ rơ đong đưa theo những cơn gió thổi thốc tới. Thật không gì buồn hơn hình ảnh của một ngôi quán đã trở thành… "Quán Gió" thật sự.

Từ Kế Tường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quan-gio-nhung-ngay-xua-20221220220626107.htm