Quận Hai Bà Trưng: Cấp bách đầu tư hệ thống trường học để đáp ứng 'chuẩn'
Với quy mô 18 phường, mật độ dân cư lớn, bên cạnh sự phát triển KT-XH mạnh mẽ, hệ thống giáo dục quận Hai Bà Trưng đang đặt ra nhu cầu cấp bách được nâng cấp cơ sở vật chất tương xứng chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Cơ sở vật chất nhiều trường xuống cấp
Theo rà soát của UBND quận, 4 trường khối mầm non, 6 trường khối tiểu học, 4 trường khối THCS thuộc quận hiện có trang thiết bị chưa đảm bảo yêu cầu để công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia năm 2023. Trong đó hiện trạng cơ sở vật chất 4 trường công nhận chuẩn mới đều đang cấp bách cần được đầu tư nâng cấp.
Đơn cử, trường Mầm non Ngô Thì Nhậm có 2 cơ sở hoạt động thì cơ sở tại 41 Trần Xuân Soạn được hoàn thành xây mới năm 2022, nhưng các hạng mục thiết bị giảng dạy, mầm non... chưa được đầu tư trong dự án xây trường; cơ sở 31 Thi Sách được cải tạo năm 2022 nhưng hiện có 3 phòng học và một số phòng chức năng, thiết bị giảng dạy, thiết bị mầm non cũng không được đầu tư trong dự án cải tạo, sửa chữa trường. Năm 2023, trường được đầu tư thiết bị tối thiểu cho 6 lớp theo quy định về danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non, hiện tại 3 lớp mới chưa được cấp thiết bị. Vì vậy, cần thiết đầu tư mới, đầu tư bổ sung những thiết bị mầm non tối thiểu và thiết bị đảm bảo đạt chuẩn cho hai cơ sở này.
Trường Tiểu học Trung Hiền đang được thi công xây khối nhà mới 4 tầng song một số thiết bị giảng dạy, thiết bị giáo dục hiện đại (bảng trượt đa năng, màn hình tương tác thông minh) thì không được đầu tư trong dự án cải tạo, xây dựng trường. Do đó cũng đang rất cần được đầu tư các thiết bị bổ sung cho khối nhà cũ 3 tầng và đầu tư mới cho các phòng học, phòng chức năng trong khối nhà mới 4 tầng.
Với trường Tiểu học Đoàn Kết (số 25 Chùa Vua, phường Phố Huế) được cải tạo năm 2022 để đạt chuẩn cơ sở vật chất, nhưng còn thiếu một số phòng chức năng và khu bếp. Dự kiến trường được bàn giao khu nhà tại địa chỉ 14 Lê Gia Định để sử dụng và quản lý, nhằm bổ sung các phòng chức năng và khu bếp, đảm bảo yêu cầu số phòng học, phòng chức năng theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT. Song, khu nhà 14 Lê Gia Định chưa có những trang thiết bị cơ bản để hoạt động, đặt ra nhu cầu phải đầu tư mới, bổ sung thiết bị hiện đại, đạt chuẩn cho hai cơ sở ở Chùa Vua và Lê Gia Định.
Còn tại trường THCS Tây Sơn, đã được đầu tư cải tạo, nâng tầng năm 2018 nhưng hiện một số trang thiết bị đã cũ, hỏng hoặc hết niên hạn sử dụng. Đặc biệt, diện tích khu đất xây trường chỉ rộng 968m2, ít phòng (23 lớp học chia ca sáng, chiều), không đáp ứng được các hoạt động sinh hoạt. Đầu tuần, chỉ đại diện một số lớp được chào cờ dưới sân; đa số học sinh chào cờ qua màn hình trên lớp. Nên để thuận lợi cho công tác đánh giá ngoài công nhận chuẩn, rất cần thiết đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hiện đại trong các lớp học, phòng chức năng.
Bên cạnh đó, 10 trường công nhận lại đạt chuẩn quốc gia năm 2023 đã được công nhận năm 2018, theo các thông tư của Bộ GD&ĐT, thời hạn công nhận đạt chuẩn với các trường mầm non, tiểu học, THCS là 5 năm. Do đó, việc đầu tư bổ sung, thay thế trang thiết bị để các trường công nhận lại chuẩn theo kế hoạch trong năm 2023 là rất cần thiết. Tuy nhiên, một số trang thiết bị đã hỏng, không sử dụng được (tủ đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế học sinh…); một số thiết bị cần đầu tư bổ sung (máy tính, máy in phục vụ giảng dạy hoặc trong phòng Tin học, Tivi màn hình cảm ứng phục vụ giảng dạy); các trang thiết bị trường chưa được đầu tư (màn hình Led sân khấu ngoài trời…)
Trong khi xu thế hiện nay, rất cần Tivi màn hình cảm ứng thay thế Tivi màu, máy chiếu, đầu DVD... Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có rất nhiều nội dung giảng dạy được số hóa, cụ thể trong các thông tư của Bộ GD&ĐT về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, cấp THCS có rất nhiều tranh ảnh điện tử, video clip mô tả nội dung giảng dạy, bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên... đều sử dụng màn hình hiển thị tại các lớp. Cùng đó, việc đầu tư màn hình Led ngoài trời có ý nghĩa rất thiết thực, bởi phục vụ giáo dục thể chất, trải nghiệm; tổ chức trình chiếu video clip giảng dạy, slide chủ đề, chủ điểm trong sinh hoạt tập thể thường nhật hay ngày lễ đặc biệt..., mà trước kia các trường phải căng phông in bạt cho từng chủ đề.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra đánh giá ngoài cơ sở vật chất tại các trường xin công nhận chuẩn quốc gia năm 2023 vào khoảng tháng 9, 10/2023, nên việc đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn quốc gia năm 2023 cho các trường là hoàn toàn phù hợp, vô cùng cấp thiết.
Gần 51 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn
Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch quận Hai Bà Trưng Đỗ Phương Nga cho hay, trước nhu cầu cấp thiết đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn quốc gia cho các trường học trên địa bàn, ngày 11/4/2023, UBND quận đã ra văn bản giao Ban QLDA đầu tư xây dựng quận lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn quốc gia năm 2023, gồm 14 trường công lập thuộc quận". Dự án đảm bảo yêu cầu cơ sở vật chất của các trường phù hợp tiêu chuẩn thiết kế trường học; Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông.
Mới đây tại Kỳ họp thứ 9, với tỷ lệ thống nhất cao, HĐND quận Hai Bà Trưng khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án trên địa bàn năm 2023, trong đó tới 5 dự án phục vụ lĩnh vực giáo dục: Đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn quốc gia năm 2023 (14 trường công lập thuộc quận); cải tạo, sửa chữa 5 trường đảm bảo cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia năm 2023; cải tạo, sửa chữa trường Tiểu học Đồng Tâm; cải tạo, sửa chữa trường Tiểu học Lê Văn Tám; mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 4, lớp 8 năm học 2023-2024.
Đáng chú ý, dự án “Đầu tư trang thiết bị phục vụ đạt chuẩn quốc gia năm 2023” có quy mô đầu tư chính là mua sắm trang thiết bị cho 14 trường công lập trên địa bàn quận, phục vụ đạt chuẩn quốc gia năm 2023 đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn thiết kế, đạt chuẩn theo quy định, trong đó: Công nhận mới 4 trường (Mầm non Ngô Thì Nhậm, Tiểu học Trung Hiền, Tiểu học Đoàn Kết, THCS Tây Sơn); công nhận lại 10 trường (Mầm non Vĩnh Tuy, Mầm non Thanh Lương, Mẫu giáo Nguyễn Công Trứ, Tiểu học Ngô Quyền, Tiểu học Tây Sơn, Tiểu học Ngô Thì Nhậm, Tiểu học Đồng Tâm, THCS Tô Hoàng, THCS Ngô Quyền, THCS Lương Yên). Với hình thức đầu tư mua sắm thay thế, bổ sung trang thiết bị, dự án được thực hiện trong năm 2023-2024, dự kiến tổng mức đầu tư gần 51 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận, trong đó chi phí chuẩn bị dự án gần 880 triệu đồng.
"Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển KT-XH, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất ở các trường học, phục vụ công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia công nhận lại năm 2023, góp phần thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn quận"-Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Trần Quyết Thắng nhấn mạnh.
Trước yêu cầu đảm bảo thời gian cung cấp lắp đặt trang thiết bị cho 14 trường đủ điều kiện công nhận chuẩn quốc gia năm 2023, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Trịnh Lê Đức khẳng định, thời gian tới, Ban phấn đấu thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn lựa chọn nhà thầu nhanh nhất, để cung cấp thiết bị cho các nhà trường kịp thời đón chuẩn. Dự kiến cuối tháng 12/2023 sẽ phê duyệt được kết quả lựa chọn nhà thầu, cơ bản kịp cung cấp cho các trường đón chuẩn.