Quận Hai Bà Trưng: Cử tri kiến nghị ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục
Sáng 17-11, Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 (kỳ họp thứ 14) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 và tiếp xúc chuyên đề về bảo đảm đất xây dựng trường học trên địa bàn quận.
Tại hội nghị tiếp xúc, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng thông báo về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn thành phố; kết quả trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.
Sau khi nghe các đại biểu HĐND thành phố thông báo các nội dung, cử tri quận Hai Bà Trưng đã bày tỏ sự đồng tình và ghi nhận những kết quả thành phố đã đạt được trong năm qua. Đặc biệt, cử tri đánh giá cao sự vào cuộc và có hiệu quả của các đại biểu HĐND thành phố tại các kỳ họp, kỳ tiếp xúc cử tri, qua đó đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm.
Trong đó, cử tri phường Minh Khai cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 197 về tổng kiểm tra xử lý và giải quyết các vi phạm về trật tự giao thông - trật tự đô thị công cộng trên địa bàn được các cấp, ngành triển khai đồng bộ. Nhờ đó, trật tự giao thông có chiều hướng tích cực hơn.
Theo cử tri, đến nay, việc thực hiện của Ban Chỉ đạo 197 các cấp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong giữ gìn trật tự đô thị, vỉa hè.
Cử tri phường Phố Huế kiến nghị, dự án đường Ngô Thì Nhậm kéo dài từ năm 2018, đến nay đã gần 5 năm vẫn chưa được triển khai. Khu vực này có nhiều nhà tập thể, 2 trường học, chợ Hòa Bình và các chợ dân sinh khác nên mật độ dân cư lớn. Nếu dự án đường Ngô Thì Nhậm sớm được triển khai sẽ góp phần làm giảm hiện tượng ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện đi lại cũng như phát triển kinh tế của người dân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày báo cáo về việc bảo đảm đất xây dựng trường học trên địa bàn. Báo cáo cho thấy, toàn quận hiện có tổng số 61 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, trong đó, có 45/61 trường công lập đạt trường chuẩn quốc gia (tỷ lệ 73,77%).
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân dân trên địa bàn, quận cần bổ sung 1-2 trường THPT công lập với lý do tổng số học sinh ra trường mỗi năm từ 4.500 - 5.000 học sinh, tổng số học sinh thi vào lớp 10 THPT khoảng từ 3.500 - 4.000 học sinh. Số học sinh vào 3 trường THPT công lập tổng từ 1.800 - 2.000 học sinh, như vậy, chỉ 50% học sinh vào trường THPT công lập trên địa bàn quận.
Vì thế, quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố quan tâm ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục; đồng thời, xin ý kiến thành phố về phương án nâng thêm tầng, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. Đối với các khu chung cư, khi xây dựng cần bảo đảm quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc cho giáo dục.
Sau khi Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thu Hiền trả lời những vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, đại biểu Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy đã phát biểu tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri; khẳng định, sẽ tổng hợp đầy đủ, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.