Quận Hai Bà Trưng phát huy tinh thần chủ động cao trong ứng phó với bão
Phó Chủ tịch UBND TP biểu dương Quận Hai Bà Trưng phát huy tinh thần chủ động ứng phó từ trước, trong và sau cơn bão số 3, từ đó đề nghị quận tăng cường giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, xử lý cây xanh bị gãy, đổ trong đó chú trọng 'cứu' những cây giá trị lớn...
Sáng nay, 13/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kiểm tra tại Quận Hai Bà Trưng về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ngập lụt do nước sông Hồng trên địa bàn quận.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP đã làm việc tại trụ sở Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Quận Hai Bà Trưng và kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão tại 2 phường có khu vực ngoài đê sông Hồng là Bạch Đằng, Thanh Lương.
Bảo đảm an toàn, sớm đưa người dân trở lại ổn định cuộc sống
Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN cho biết, ngay từ ngày 6/9, thời điểm tiền hoàn lưu của cơn bão số 3, toàn quận đã sẵn sàng các phương án ứng phó. Trước diễn biến phức tạp của bão và nước sông Hồng dâng cao, các phòng, ban ngành, đoàn thể, UBND 18 phường đã chủ động thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ huy quận.
Cơn bão gây ra trên địa bàn không có thiệt hại về người tử vong và công trình xây dựng bị hư hỏng nặng, tuy nhiên có 3 người bị thương. Tổng số có 769 cây bị nghiêng, đổ, gãy, trong đó 26 cây to cao có nguy cơ đổ đè vào người; 12 ô tô và 4 xe máy hư hỏng; 15 nhà tốc mái... Liên quan lũ sông Hồng có 49 hộ dân trong đó 34 hộ nằm sát mép nước sông bị nước tràn vào nhà. Quận đã nhanh chóng tổ chức di dời 1.198 hộ dân do lũ sông Hồng, cơ bản người dân tự lo chỗ ở tạm, quận bố trí chỗ lưu trú cho 17 người tại trường Tiểu Lương Yên.
Đến ngày 13/9, quận đã tổ chức xử lý xong cắt cành, hạ tán, xếp gọn lên hè toàn bộ 769 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy do cơn bão. Trong đó có 26 vị trí nguy hiểm cây nghiêng đổ vào nhà dân, cơ quan đang tích cực chỉ đạo thực hiện, thu dọn, trồng lại; với 7 cây quý hiếm, có giá trị lịch sử đều đã được cắt tỉa, hạ tán, xây dựng phương án ươm trồng lại tại chỗ.
Đáng chú ý, trong những ngày nước sông Hồng dâng cao, khu vực sát mép nước trên địa bàn có 11 bến trung chuyển hàng hóa, 1 kho chứa các thùng dầu, 1 cây xăng, UBND phường Thanh Lương đã vận động tuyên truyền yêu cầu người dân ký cam kết di chuyển đến nơi an toàn. Trong đó, quận đã kịp thời cho tạm dừng hoạt động kinh doanh của cây xăng và di chuyển 1.000 thùng dầu (200 nghìn lít dầu), 13 nghìn lít xăng ngay trong đêm trước khi nước tràn vào.
Hôm qua, 12/9, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lực lượng chức năng quận đã tổ chức đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng, nhà ở tại khu vực bờ vở sông Hồng. Ngay trong sáng nay, 13/9, UBND quận đã yêu cầu các lực lượng công an, quân đội, y tế quận và các phường ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng dịch, tiêu độc khử trùng tại những khu vực bị ảnh hưởng do bão số 3 cũng như ngập lụt nước sông Hồng; các lực lượng rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các khu dân cư bị ngập do nước sông Hồng ở phường Bạch Đằng và Thanh Lương. Nếu bảo đảm an toàn, ngay trong hôm nay (13/9) lực lượng chức năng quận và phường sẽ tập trung hỗ trợ để đưa người dân đã di dời trở lại nơi ở ổn định cuộc sống.
“Trong những ngày tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ngập lụt do nước sông Hồng. Đặc biệt, quận sẽ đẩy nhanh tổ chức dọn dẹp các cây xanh bị gãy đổ theo tiến độ của TP đề ra cho dù nhiều khó khăn do trên địa bàn có số lượng lớn cây gãy, đổ; trong đó đang rà soát và phân loại các cây bị gãy đổ để có phương án cụ thể, quyết tâm trong tuần này dọn dẹp xong, nhất là khu vực Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông”- ông Nguyễn Quang Trung khẳng định.
Chú trọng “cứu” những cây quý, cây có thể trồng lại
Tại cuộc làm việc, điểm lại những thiệt hại cơ bản do bão số 3 gây ra trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước những ngày qua, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, cả hệ thống chính trị TP đã vào cuộc quyết liệt, với nhiều giải pháp để ứng phó và khắc phục hậu quả do bão cũng như tình trạng nước sông Hồng dâng cao. Theo đánh giá ban đầu, TP sẽ khắc phục được khoảng 20%, trong đó Quận Hai Bà Trưng có số cây gãy, đổ lớn nhưng cũng đã khắc phục được hơn 10%, để trồng lại hoặc ươm trồng.
Đặc biệt trong kết quả chung của TP, Quận Hai Bà Trưng được lãnh đạo TP đánh giá cao vì đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong bối cảnh diễn biến phức tạp, số lượng lớn cây nghiêng, đổ, gãy nhưng không để xảy ra thiệt mạng về người. Quận thể hiện đã rất chủ động từ trước, trong và sau cơn bão, nhất là trên địa bàn những khu vực phức tạp, nguy hiểm như Cảng Hà Nội và 2 phường ngoài đê, nhưng đã kịp thời tổ chức sơ tán gần 1.200 người với sự quan tâm chăm lo chu đáo của chính quyền.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, những ngày tới, Quận Hai Bà Trưng tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả sau hoàn lưu bão, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, tập trung xử lý các cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn để an toàn giao thông, trong đó chú trọng “cứu” những cây có giá trị, cây có thể trồng lại. Lãnh đạo TP sẽ đề nghị Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan hỗ trợ lực lượng để quận hoàn thành việc xử lý cây xanh gãy đổ vào đầu tuần sau theo đúng tiến độ TP yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng lưu ý quận xử lý kịp thời, cuốn chiếu việc khắc phục hậu quả do nước lũ sông Hồng trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương, trong đó chú trọng theo dõi chặt chẽ mực nước sông Hồng, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường cho người dân sau khi trở về nơi ở của mình sau lũ và tổ chức quản lý chặt chẽ cả khi người dân đã trở về.