Quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tạo thành sức mạnh to lớn (Phần 1)
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2019), TTXVN xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tạo thành sức mạnh to lớn” của Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 3.
Bài viết gồm hai phần: Phần 1 - Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; Phần 2 - Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.
Phần 1: Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
Hai nước Việt Nam và Lào có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á, nằm kế con đường giao thương hàng hải hàng đầu thế giới. Dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào tạo điều kiện cho hai nước phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Tại đây có nhiều vị trí chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng rộng lớn của cả hai nước, có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ lâu, quan hệ Việt Nam và Lào là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và xây dựng xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương đồng. Đặc biệt là vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào không phải do ý muốn chủ quan, mà bắt nguồn từ vị trí địa - chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha với hòa bình và phát triển.
Do điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam - Lào có nhiều điểm tương đồng, lại vừa có những nét khác biệt, trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày nay, hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau bằng tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường cũng như sự phân vùng kinh tế và phân công lao động hợp lý để hợp tác cùng phát triển.
Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Người Việt Nam thường nói: “Được lời như cởi tấm lòng”, người Lào có câu ngạn ngữ tạm dịch là: Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán. Tuy Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn các nền tảng văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị - xã hội khác nhau, nhưng những nét tương đồng vẫn thấy phổ biến trong muôn mặt đời sống hằng ngày của cư dân Việt Nam và Lào. Các nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già…
Trong thời kỳ phong kiến, đặc điểm nổi bật về quan hệ giữa nhân dân hai nước là thân thiện, hữu hảo. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, đặc biệt thông qua quan hệ hôn nhân giữa hoàng tộc và lãnh chúa địa phương ở hai nước.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược, đặt ách đô hộ lên Việt Nam, Lào và Campuchia. Cùng bị một kẻ thù xâm lược, áp bức, nhân dân ba nước dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có để đấu tranh chống quân xâm lược, giành độc lập, tự do. Tuy các phong trào đều bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt trong những năm đầu, song việc xây dựng khối đoàn kết đấu tranh trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của hai dân tộc. Xác định con đường cứu nước đúng đắn và xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng trên bán đảo Đông Dương.
Từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu lý luận và trực tiếp kiểm nghiệm thực tiễn về bản chất và mô hình các cuộc cách mạng trên thế giới. Từ đó, Người vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và Đông Dương để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình hình Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc) và tháng 2/1927, Hội xây dựng được cơ sở ở Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương. Đồng thời, Lào là địa bàn để Người nắm tình hình và tìm kiếm con đường trở về Việt Nam. Năm 1928, đích thân Người bí mật tiến hành khảo sát thực địa tại Lào. Các địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Lào là bản Xiêng Vang, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn và một số chùa khác ở Thủ đô Viêng Chăn.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam. Đảng đã ban hành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hai nước Việt Nam và Lào cùng bị thực dân Pháp thống trị, có cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, nên con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc được ghi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng là con đường phù hợp, chứa đựng những giải pháp giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ, đưa đất nước Lào đến thịnh vượng.
Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương mở đầu những trang sử đặc biệt Việt Nam - Lào. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; xác lập các nguyên tắc, phương hướng, đường lối chính trị và những nhiệm vụ cơ bản cho phong trào cách mạng của ba dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị đặt phong trào cách mạng Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra những chủ trương và giải pháp cụ thể chỉ đạo các cấp bộ Đảng và phong trào cách mạng Đông Dương cũng như tăng cường quan hệ mật thiết, nương tựa lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Từ giữa năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng tác động và ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Lào. Từ trong phong trào đấu tranh của nhân dân Lào, nhiều người con ưu tú của nhân dân Lào được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ ủy lâm thời Ai Lao) được thành lập, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào.
Tháng 3/1935, Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc liên minh chặt chẽ các dân tộc Đông Dương để chống kẻ thù chung trên cơ sở lấy nguyên tắc chân thật, tự do, bình đẳng cách mạng làm cơ bản. Sau Đại hội Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào có nhiều chuyển biến mới và ngày càng gắn bó mật thiết hơn.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân Lào, ra sức vơ vét sức người sức của ở Đông Dương phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Trước sự tồn vong của các dân tộc Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Những chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương đã dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước, cùng kề vai, sát cánh trong đánh Pháp, đuổi Nhật.
Trong khi phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đang phát triển mạnh mẽ, ngày 9/3/1945, quân phiệt Nhật tiến hành cuộc đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Cao trào phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực các lực lượng yêu nước Lào đấy tranh giành độc lập. Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào liên hệ với các tổ chức Lào Ítxalạ và Lào pên Lào (Đội Tiền vệ - Conlảvăngnạ) bàn việc phối hợp hoạt động, tập hợp và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào - Việt.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đang phát triển mạnh mẽ thì Quân đội Liên Xô đánh tan quân đội Quan Đông của Nhật ở Trung Quốc. Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Trong thời điểm lịch sử đó, Đảng Cộng sản Đông Dương chớp thời cơ, ngày 13/8/1945 phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động, giành thắng lợi hoàn toàn trong 15 ngày. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đập tan bộ máy thống trị đầu não của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Ngày 23/8/1945, cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới (Viêng Chăn) có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia, đánh dấu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lào.
Nhận rõ tầm quan trọng của quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thiết lập quan hệ với Chính phủ Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội. Cuộc gặp gỡ ngày 4/9/1945 tác động mạnh mẽ đối với Hoàng thân trong việc quyết định chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3/10/1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia Chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”.
Ngày 12/10/1945, trong cuộc mít tinh lớn tại thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ vừa được thành lập làm lễ ra mắt, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân nền độc lập của quốc gia Lào. Chính phủ Lào chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”.
Thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/91945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12/10/1945) là điều kiện thuận lợi đưa quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa nhân dân hai nước Việt - Lào lên tầm liên minh chiến đấu. Tháng 10/1945, Chính phủ hai nước ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào. (Còn tiếp)