Quan hệ EU - Israel thức giấc 'ngủ đông'
Sau gần một thập kỷ 'ngủ đông', quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Israel được dự báo sẽ 'thức giấc' với một cuộc đàm phán có thể được nối lại vào cuối năm nay.
Những ngày qua, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về phát ngôn của Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell xác nhận rằng, EU và Israel có thể nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 11 năm nay, lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, hai bên hủy bỏ thỏa thuận liên kết. Ngoại trưởng các nước thành viên EU hiện đã “bật đèn xanh” chính trị để nối lại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Hiệp hội EU - Israel và đang xác định kế hoạch cụ thể.
Được biết, năm 1995, EU và Israel đã ký kết một thỏa thuận liên kết với các cuộc đàm phán thường niên. Tuy nhiên, Israel đã hủy bỏ thỏa thuận này vào năm 2013 như một động thái phản đối quyết định của EU về việc phân biệt giữa các khu định cư và phần còn lại của Israel trong tất cả các thỏa thuận. Trong nhiều năm sau đó, một số nước thành viên EU có những động thái riêng lẻ nhằm ngăn không cho cuộc họp EU - Israel diễn ra, đồng thời thúc giục sự tiến bộ hơn nữa về hòa bình của người Palestine như một điều kiện bắt buộc để thúc đẩy quan hệ EU - Israel.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ EU - Israel có nhiều dấu hiệu “khởi sắc”, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đầy biến động và Trung Đông đang ngày càng cho thấy vai trò trọng yếu đối với cộng đồng quốc tế. Cũng trong phát ngôn gần đây, ông Borrell khẳng định, các nước thành viên EU vừa nhất trí mong muốn sớm nối lại cuộc đàm phán chung EU - Israel.
Giới quan sát chính trị châu Âu nhìn nhận, khi EU và Israel nối lại đàm phán, một trọng tâm hàng đầu là Tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này yêu cầu các nước thành viên EU xây dựng lập trường chung, nhưng thực tế, EU đang chia rẽ về việc không thay đổi lập trường đối với Tiến trình hòa bình Trung Đông, bao gồm quan điểm được khối này thông qua vào năm 2016 về việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước liên quan tới vấn đề Palestine. Hiện nay, tình hình trên thực địa ở các vùng lãnh thổ của Palestine đang xấu đi và Hội đồng Hiệp hội EU - Israel sẽ là một cơ hội tốt để EU can dự với Israel về những vấn đề này.
Cũng theo giới quan sát, một trong những sự kiện quan trọng ghi dấu sự khởi sắc quan hệ EU - Israel gần đây là chuyến thăm Israel của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 6. Đây là chuyến thăm Israel đầu tiên trong một thập kỷ của người đứng đầu cơ quan điều hành EU. Chủ đề bao trùm trong chuyến thăm này là vấn đề năng lượng với 2 phát ngôn đáng chú ý. Bà Leyen khẳng định, EU cần khí đốt của Israel, trong khi Ngoại trưởng Israel lúc đó là ông Yair Lapid (nay là Thủ tướng) bày tỏ, quan hệ Israel - EU là một “tài sản chiến lược”. Israel dự kiến có thể giúp đáp ứng gần 1.000 tỷ mét khối khí đốt từ trữ lượng ngoài khơi.
Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, dù quan hệ EU - Israel khởi sắc, nhưng trên thực tế, mối quan hệ này vẫn khá căng thẳng và vẫn được xem là trong trạng thái “ngủ đông”. Mới đây, Israel cũng có lời chỉ trích đối với EU về chuyến thăm của ông Borrell đến Iran nhằm khôi phục các cuộc đàm phán hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), vốn bị Israel phản đối. Mặt khác, một số nước EU gần đây khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các nhóm xã hội dân sự Palestine đã bị Israel liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Dẫu căng thẳng còn khá lớn, song ở góc độ tích cực, giới chuyên gia tin rằng, quan hệ EU - Israel thời gian tới chắc chắn có nhiều tín hiệu tích cực và có thể thoát khỏi trạng thái “ngủ đông”. Một trong những minh chứng cho nhu cầu kết nối giữa hai bên là sự phát triển quan hệ riêng lẻ giữa Israel và các quốc gia thành viên EU. Thực tế thời gian gần đây, cả hai bên đều cho thấy mong muốn ngày càng mạnh mẽ về việc tăng cường hợp tác và thực hiện các dự án chung trong các lĩnh vực thương mại, khoa học, công nghệ, an ninh, văn hóa và giáo dục.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-he-eu-israel-thuc-giac-ngu-dong-post452969.html