Quan hệ EU - Trung Quốc căng thẳng dưới áp lực thương mại của Mỹ

Sáu tháng sau khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, kỳ vọng về sự hòa dịu giữa EU và Trung Quốc có nguy cơ tan biến. Các biện pháp trừng phạt, áp thuế trả đũa và bất đồng địa chính trị khiến hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc khó đạt được những kết quả mang tính đột phá.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ (us.china-embassy.gov.cn)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ (us.china-embassy.gov.cn)

Theo tờ Politico, lẽ ra hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc diễn ra ngày 24/7 năm nay phải là một dịp kỷ niệm trọng đại, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa EU và Bắc Kinh. Tuy nhiên, kỳ vọng về những thành quả đạt được tại hội nghị lần này lại thấp hơn bao giờ hết. Từng có hy vọng về một sự hòa hoãn dần dần giữa Bắc Kinh và Brussels sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhưng sáu tháng sau, mối quan hệ này đã xuống một mức thấp mới, phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng.

Mối quan hệ EU - Trung Quốc đã trải qua giai đoạn căng thẳng liên tục trong suốt nhiều năm qua và không hề có dấu hiệu cải thiện. Chuyên gia Noah Barkin, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức, nhận định: "Hội nghị thượng đỉnh này có thể nhấn mạnh rằng: xét về mối quan hệ kinh tế cũng như sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga, vẫn có rất ít tiến triển trong quan hệ giữa Brussels và Bắc Kinh". Theo đó, trong nỗ lực xoa dịu quan hệ với Washington, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thể hiện một giọng điệu ngày càng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc cảnh báo không nên ký kết bất kỳ thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương nào có thể gây tổn hại đến lợi ích của họ.

Vấn đề nan giải nhất, bên cạnh những tranh chấp thương mại dai dẳng, chính là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đúng như dự đoán trước hội nghị thượng đỉnh, EU đã liệt kê hai ngân hàng Trung Quốc vào danh sách trừng phạt mới nhất đối với Nga. Động thái này đã khiến Bắc Kinh bày tỏ "sự không hài lòng mạnh mẽ và phản đối kiên quyết", gọi đây là một hành động "nghiêm trọng". Mặc dù giọng điệu của EU đã trở nên gay gắt hơn, Nghị sĩ người Hà Lan Bart Groothuis của Nghị viện châu Âu vẫn cho rằng "EU đang xử lý Trung Quốc quá cẩn trọng". Ông chỉ ra việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng, như gali – một vật liệu được sử dụng trong các ứng dụng quân sự và công nghệ cao, là một ví dụ điển hình và yêu cầu phản ứng cứng rắn.

Cùng với đó, hai bên có những vấn đề gây khó chịu ngày càng gia tăng trong quan hệ thương mại. Đầu tháng này, Trung Quốc đã đã cấm việc mua thiết bị y tế của EU, nhằm trả đũa việc Brussels áp đặt các quy định đối với thiết bị y tế của Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau một cuộc tranh cãi dai dẳng về việc EU áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào năm ngoái và việc Bắc Kinh áp thuế trả đũa đối với rượu nhập khẩu từ châu Âu. Ông Groothuis cho biết Trung Quốc đang đặt ra những yêu cầu khắt khe cho các công ty EU xin giấy phép mua gali và các vật liệu khác, nhằm "vạch ra những cách để có thể ép chúng tôi trong tương lai".

Việc tiến hành công tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh cũng phản ánh mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế. Ban đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối lời mời đến Brussels của bà Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa. Sau đó, hội nghị thượng đỉnh – ban đầu dự kiến diễn ra trong 2 ngày – đã bị rút ngắn chỉ còn 1 ngày. Theo một quan chức EU, bà Leyen và ông Costa dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào buổi sáng (ngày 24/7) để thảo luận chung, sau đó thảo luận về địa chính trị trong bữa trưa, và cuộc gặp với Thủ tướng Lý Cường sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại. Giống như các hội nghị thượng đỉnh trước, sẽ không có tuyên bố chung.

Francesca Ghiretti, Giám đốc Sáng kiến Trung Quốc - châu Âu tại tổ chức tư vấn RAND, nhận định: "Trung Quốc có rất ít động lực để đưa ra bất kỳ đề xuất nào với EU", đồng thời giải thích rằng Bắc Kinh tin rằng họ đang ở thế mạnh khi đạt được thỏa thuận "ngừng bắn về thuế quan" tạm thời với Washington nhanh chóng và dễ dàng hơn dự kiến, trong khi EU vẫn đang tham gia vào các cuộc đàm phán đầy thách thức.

Trước khi đến Bắc Kinh, bà Leyen và ông Costa đã hạ cánh tại Tokyo để tham dự lễ ra mắt chính thức liên minh EU - Nhật Bản, một tín hiệu mà Brussels hy vọng Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ. Một trong số ít kết quả dự kiến được công bố tại hội nghị thượng đỉnh là một đơn đặt hàng máy bay chở khách Airbus theo đồn đoán. Do thiếu thông báo về thương mại và an ninh, hai bên đã hy vọng ký một thông cáo chung về khí hậu, nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Một quan chức EU cho biết họ sẽ coi hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc là một thành công “nếu các đối tác của chúng tôi thừa nhận và hiểu được những lo ngại của chúng tôi”, chẳng hạn như về tình trạng sản xuất dư thừa và vấn đề "cạnh tranh công bằng".

Theo Tân Hoa Xã, ngay trong sáng 24/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Bắc Kinh trong khuôn khổ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU giữa lúc hai bên còn nhiều bất đồng, từ thương mại đến vấn đề xung đột tại Ukraine. Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Tình hình quốc tế càng nghiêm trọng và phức tạp, Trung Quốc và EU càng cần phải tăng cường liên lạc, củng cố sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác”. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và Brussels có thể tìm thấy "tiếng nói chung" bất chấp những khác biệt. Tân Hoa Xã lưu ý, Trung Quốc đang tìm cách thắt chặt quan hệ với EU, trong bối cảnh nước này muốn thể hiện mình là đối tác ổn định và đáng tin cậy hơn so với Mỹ trong một thế giới đầy bất ổn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-he-eu-trung-quoc-cang-thang-duoi-ap-luc-thuong-mai-cua-my-20250724113749901.htm