Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những kết quả, dấu ấn nổi bật về phát triển công nghiệp văn hóa
Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' tháng 12/2022 mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ hai nước.
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia
Trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có việc phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghiệp văn hóa.
Đó là nhận định được các nhà lãnh đạo cao cấp Hàn Quốc đưa ra tại Diễn đàn Đô thị văn hóa hội tụ CICON Hanoi 2022 diễn ra với chủ đề "Hợp tác kinh tế nhằm phát triển ngành công nghiệp hội tụ văn hóa đô thị Hàn Quốc - Việt Nam”. Diễn đàn được đồng tổ chức bởi Korea CEO Summit (KCS) và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc và Việt Nam. Vấn đề hợp tác kinh tế nhằm phát triển ngành công nghiệp hội tụ văn hóa đô thị được cả các đại biểu quan tâm. Theo các đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại của kỷ nguyên số vì vậy cần phải tận dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển môi trường đô thị vừa sôi động với các hoạt động kinh tế vừa hội tụ các giá trị văn hóa lại vừa có một môi trường đáng sống.
Hiện nay, Hàn Quốc một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động kinh doanh tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang trở thành cầu nối tích cực, đóng góp vào sự hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước trong nhiều lĩnh vực và mở rộng trên các địa bàn.
Trong thời gian qua, hai nước phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa tại mỗi nước và đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa Nhân dân hai nước. Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ VH,TT&DL Việt Nam và Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2022, Lễ hội Văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Ninh, Lễ hội Đèn lồng Việt - Hàn tại Hà Nội, tuần phim… Đặc biệt vào tháng 10/2022, Bộ VH,TT&DL Việt Nam phối hợp với Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức thành công Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc tại thủ đô Seoul và tỉnh Gwangju với các hoạt động văn hóa đặc sắc, đã thu hút được sự quan tâm của người dân Hàn Quốc tới tham quan khu trưng bày văn hóa của Việt Nam, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang áo dài (triển lãm ảnh các di sản văn hóa và các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trải nghiệm các trò chơi dân gian, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, triển lãm sách) và trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm văn hóa – du lịch như thử áo dài truyền thống, vẽ trên nón lá, làm tranh Đông Hồ… Trong 3 ngày tổ chức, Lễ hội thu hút khoảng 200.000 lượt khách và có gần 100 tin bài đăng trên truyền hình, báo chí của Hàn Quốc và Việt Nam.
Hàn Quốc hiện đứng số một về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển ODA, lao động và du lịch; thứ ba về thương mại. 9,3 nghìn dự án FDI của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 80 tỷ USD đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đối với riêng lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nhờ sự vào cuộc tích cực của hai Chính phủ, hai Bộ, trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những kết quả, dấu ấn nổi bật. Qua đó, đóng góp chung vào việc xây dựng, nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Phía Hàn Quốc sẽ có những hỗ trợ nhất định cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc và điện ảnh. Đây tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để xây dựng Chiến lược Công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, lựa chọn công nghiệp văn hóa là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia không chỉ cho thấy chiều sâu trong mối quan hệ giữa hai Bộ, đó còn là sự vận dụng một cách linh hoạt những quan điểm về ngoại giao mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc: "Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại".
Nhiều bài học quý về phát triển công nghiệp văn hóa trong tầm nhìn chiến lược quốc gia
Có thể thấy, cùng là nước đi lên từ nông nghiệp, xuất phát điểm xây dựng nền công nghiệp văn hóa tương tự như Việt Nam, tuy nhiên trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến khá xa về công nghiệp văn hóa, không chỉ mang lại một tiềm lực kinh tế lớn mạnh mà lĩnh vực này còn góp phần quảng bá rất hiệu quả về hình ảnh, đất nước con người "Xứ sở Kim Chi" đến bạn bè quốc tế.
Quan sát lộ trình phát triển của các quốc gia trong thời kỳ hội nhập hiện nay, có thể thấy công nghiệp văn hóa luôn giữ một vị trí hàng đầu. Không nói đâu xa, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã gợi ý cho chúng ta nhiều bài học quý về phát triển công nghiệp văn hóa trong tầm nhìn chiến lược quốc gia.
Các trào lưu điện ảnh, âm nhạc, truyện tranh,… xuất phát từ các quốc gia này đang có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý người nghe, người xem ở các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ngoài việc thu về những lợi ích kinh tế đáng kể, các sản phẩm văn hóa còn góp phần khuếch trương, quảng bá văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.
Đến nay, nhiều quốc gia phát triển nhận thức rất rõ, các tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa (bao gồm các sáng tạo từ trí tuệ con người) sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của nó. Dưới góc độ kinh tế, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa có thể làm giàu cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào. Không chỉ vậy, nó còn là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, trao đổi, là “vũ khí đặc biệt ” giúp bảo vệ bờ cõi văn hóa quốc gia.
Cũng nhờ sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền, Hà Nội đang trở thành địa phương đi đầu, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững, trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Nhìn theo ngành dọc không khó để thấy những bất cập về nhận thức vẫn đang còn tồn tại. Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật vẫn chưa thật sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường với tư cách là một sản phẩm hàng hóa. Các hội nghề nghiệp còn lúng túng trong công tác quản lý, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nghệ sĩ sáng tạo để đưa các sản phẩm công nghiệp văn hóa vào đời sống.
Yếu tố cần phải nhấn mạnh tiếp theo trong phát triển công nghiệp văn hóa, là nhận thức của các doanh nghiệp cũng như các văn nghệ sĩ - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm văn hóa.
Họ chính là chủ thể của công nghiệp văn hóa, những người đóng vai trò nòng cốt sáng tạo văn hóa. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng như các văn nghệ sĩ đang tích cực chuyển đổi nhận thức để làm văn hóa. Nếu như trước đây, một vở diễn sân khấu, một bộ phim, một cuốn sách, một album nhạc ra đời chỉ được xem đơn thuần là một tác phẩm văn học nghệ thuật thì nay, các nhà sáng tạo đã nhìn nhận rõ ràng, đó còn là một sản phẩm hàng hóa.
Nghĩa là phải tính toán đến yếu tố người mua, người sử dụng và tiêu thụ sản phẩm, làm thế nào để sản phẩm mình làm ra “sống được” trong thị trường vốn nhiều cạnh tranh. Yếu tố khách hàng (ở đây là công chúng, người thưởng thức văn hóa) được đặt lên hàng đầu, bởi chính họ là người đóng góp để “nuôi” người sáng tạo thông qua việc tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa. Dù vậy, đối với không ít doanh nghiệp và người sáng tạo, “công nghiệp văn hóa” vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, và chưa thật sự nhập cuộc bằng một sự thay đổi cần thiết trong nhận thức.
Một số doanh nghiệp còn ngần ngại trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, dù đã có những điều kiện thuận lợi cả về môi trường đầu tư và cơ chế chính sách hỗ trợ thông thoáng của địa phương. Tư duy cũ cho rằng văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền, đầu tư nhiều mà lợi nhuận thu về ít vẫn còn tồn tại. Không ít nghệ sĩ tài năng trước nay vốn quen với quan niệm chỉ làm những gì mình thích mà ít để ý đến yếu tố công chúng, chưa bắt nhịp vào việc liên kết với doanh nghiệp, nhà phát hành để đưa sản phẩm của mình ra với thị trường...
Điều cuối cùng cần nhấn mạnh trong câu chuyện thay đổi nhận thức để phát triển công nghiệp văn hóa chính là ý thức của người dân-với vai trò đối tượng hưởng thụ văn hóa. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, người dân có điều kiện để tiếp cận nhiều sản phẩm văn hóa đến từ các quốc gia nhưng cần lắm một tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc, ủng hộ các sản phẩm văn hóa “nội địa” giống như phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Cố nhiên ai cũng hiểu, khi một sản phẩm văn hóa tham gia vào thị trường phải chấp nhận quy luật của thị trường, không thể trông vào sự “giải cứu” của công chúng, nhưng rất cần sự ủng hộ tích cực từ công chúng, trên tinh thần gạn đục khơi trong. Khi người dân với thái độ yêu mến, sẵn sàng khuếch trương các sản phẩm văn hóa, bảo vệ thị trường văn hóa trong nước để các nghệ sĩ và doanh nghiệp yên tâm sáng tạo và học hỏi, chắc chắn con đường phát triển công nghiệp văn hóa sẽ có nhiều thuận lợi.