Quan hệ hợp tác giữa vương quốc Bỉ và Việt Nam: Dư địa rộng mở cùng với EVFTA
Cơ hội làm ăn, kinh doanh giữa các công ty của Vương quốc Bỉ và Việt Nam đang mở ra , thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác lâu dài, cùng có lợi cho cả hai nước.
Quốc vương Bỉ Philippe và các thành viên Hoàng gia. Ảnh: Das Bogaerts
Từ quan hệ hợp tác phát triển...
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, ông Paul Jansen, đã mô tả các giai đoạn khác nhau trong lịch sử quan hệ Bỉ - Việt Nam để thấy sự phát triển rõ nét trong cả mối quan hệ hợp tác và đối tác.
Vương quốc Bỉ là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc tái thiết Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Bỉ đã không ngừng tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực và đang tiếp tục mối quan hệ đối tác lâu dài, cùng có lợi.
Suốt hơn 40 năm hợp tác, kể từ năm 1973, thích nghi với sự phát triển nhanh chóng và năng động của Việt Nam, quan hệ đối tác giữa hai nước được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, thương mại, nông nghiệp và giáo dục.
Hợp tác phát triển Bỉ tại Việt Nam đã tập trung vào quản lý nước và vệ sinh môi trường, phát triển năng lực và quản trị tốt... với hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam lên tới 60 triệu euro trong giai đoạn 2011-2015. Viện Y học nhiệt đới Hoàng tử Leopold của Bỉ tại Antwerp (ITM-Antwerp) cũng đã hợp tác hỗ trợ các viện địa phương để gần như loại trừ sốt rét ở Việt Nam trong vài thập kỷ qua.
“Không còn chương trình hợp tác phát triển song phương nữa, thay vào đó, hai nước phát triển quan hệ đối tác trong hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, y tế, nông nghiệp, biến đổi khí hậu và đầu tư vào khu vực tư nhân của Ngân hàng Đầu tư Bỉ cho các nước đang phát triển”, Đại sứ Jansen nói. Gần đây, Việt Nam và Bỉ đã hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, ông Paul Jansen.
Vào tháng 5/2020, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam đã nhận được 35.000 khẩu trang y tế trị giá 180 triệu đồng từ Hội Hữu nghị Việt Nam - Bỉ, Hội Cựu sinh viên Việt Nam tại Bỉ. Bên cạnh sự hỗ trợ tự nguyện trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam và Bỉ đã và đang phát triển những hợp tác dài hạn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyên môn học thuật của Việt Nam.
Kể từ khi mối quan hệ giữa các tổ chức khoa học Việt Nam và Bỉ được thiết lập, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng của Chính phủ Bỉ, được cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ tại Bỉ. Đến nay, hơn 2.000 sinh viên Việt Nam đã hoàn thành chương trình thạc sỹ Solvay Việt Nam của Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels, tích cực thúc đẩy trao đổi sinh viên với 3 chương trình thạc sỹ đang hợp tác với Đại học Mở tại TP.HCM.
Đến đối tác lâu dài, cùng có lợi
Bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trong 7 tháng đầu năm 2020, khoảng 1,2 tỷ euro hàng hóa của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Bỉ. Lượng hàng hóa nhập khẩu từ Bỉ về Việt Nam cũng đạt khoảng 391 triệu euro.
Có thể thấy, thương mại song phương cả hai nước liên tục được tăng cường và hợp tác hiệu quả, theo sự đánh giá của Đại sứ Jansen khi ông nhắc đến các sản phẩm truyền thống của hai bên đang có mặt trong danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Bỉ và Việt Nam như hải sản, quần jean và áo thun của Việt Nam; thuốc men và sô cô la của Bỉ...
Theo thống kê, năm 2019, trong EU, Bỉ là nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Việt Nam. Năm 2018, vị trí này là thứ 6. Hàng hóa chính của Bỉ xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là hóa chất, máy móc thiết bị, đá quý và kim loại quý; nhập về dệt may, giày dép và mũ, kim loại cơ bản...
Kể từ năm nay, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, cơ hội hợp tác mới, cả trong thương mại và đầu tư là điều mà các doanh nghiệp Bỉ đang hào hứng nhắc tới.
“EVFTA tạo ra môi trường thương mại và đầu tư có thể dự đoán được, ổn định và thân thiện với doanh nghiệp cho các công ty Bỉ”, ông Bart Verheyen, Chủ tịch Phòng Thương mại Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam (BeluxCham), nhận xét. Đây là cơ sở để ông Bart Verheyen nói rằng, đã nhìn thấy cơ hội hợp tác giữa hai nước, khi bên cạnh hàng hóa và dịch vụ, thỏa thuận này cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khung pháp lý, tự do hóa đầu tư và đơn giản hóa việc tiếp cận mua sắm công.
Về đầu tư, các doanh nghiệp Bỉ tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực y tế và hậu cần - các ngành công nghiệp thế mạnh của Bỉ.
Những tên tuổi lớn nhất trong ngành dược phẩm đều đã đầu tư vào Việt Nam, như các Tập đoàn Pfizer, Sanofi và GlaxoSmithKline... Khu công nghiệp Deep C tại Hải Phòng là một trong những dự án lớn nhất của Bỉ tại Việt Nam. Với địa lý thuận lợi, tiếp giáp với cảng biển sâu mới và đầu tiên của TP. Hải Phòng, Deep C đang cung cấp cho khách thuê đất công nghiệp, các nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, tất cả đều tích hợp các tiện ích và dịch vụ hỗ trợ đáng tin cậy.
Ông Andries Gryffroy, Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt (BVA) cũng tin rằng, EVFTA sẽ cung cấp nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh hơn, đặc biệt là cho các trung tâm hậu cần và phân phối tại Việt Nam. Tập đoàn Đầu tư quốc tế Bỉ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư và chắc chắn hỗ trợ các công ty Bỉ.
Cùng với EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang mở đường tăng cường thương mại hợp tác đầu tư giữa hai nước. Chuỗi lạnh Ice-Loft của Bỉ tại Việt Nam là sự kết hợp cả hai lĩnh vực đầy tham vọng, với kế hoạch xây dựng một hệ thống hậu cần chuỗi lạnh thông minh tại Việt Nam, đồng thời hoàn thành các dịch vụ hậu cần và chuyển hướng xuất khẩu trái cây nhiệt đới chính của Việt Nam sang châu Âu và Trung Đông.
Một thực tế, hầu hết công ty Bỉ đều có quy mô vừa và nhỏ, nên rất cần một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, dễ tiên liệu, chi phí thấp. Theo ông Gryffroy, các nhà đầu tư Bỉ nói riêng và EU nói chung chờ đợi ở Việt Nam một khung khổ pháp lý phù hợp với các cam kết tại EVFTA, không có thêm rào cản, chẳng hạn như các quy định, thủ tục và các yêu cầu bổ sung. Những thủ tục này sẽ khiến không chỉ EVFTA khó được thực hiện đầy đủ, mà sẽ giới hạn các cơ hội đầu tư và thương mại của các bên.
“Việt Nam cần chuẩn bị để cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin, đề xuất dự án hấp dẫn và cả những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Các doanh nghiệp Bỉ cũng rất quan tâm đến những vấn đề như truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng”, ông Gryffroy giải thích.
BVA được thành lập để tăng cường hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. “Chúng tôi đang duy trì mối quan hệ tốt với các thành viên của mình. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ có một sự kiện để tiếp tục trao đổi cho các công ty Bỉ về những cơ hội khác nhau mà Việt Nam mang lại, cũng như những lợi ích và lợi thế đi kèm với EVFTA”, ông Gryffroy cho biết.
BeluxCham cũng không đứng ngoài thỏa thuận lịch sử mang tên EVFTA này. Theo ông Verheyen, EVFTA sẽ chỉ thực sự thành công khi những người tham gia, gồm các chính phủ, chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm việc cùng nhau để hiểu và tuân thủ cam kết.
“BeluxCham sẽ tiếp tục là điểm tiếp xúc đầu tiên của các doanh nghiệp Bỉ, hỗ trợ họ xử lý những vướng mắc, trở ngại trong đầu tư tại Việt Nam. Tôi tin rằng, một hiệp định thành công bao gồm lợi ích của cả Bỉ và Việt Nam”, ông Verheyen nói.
Ngày lễ của vua Bỉ
Kể từ năm 1866 đến nay, tại Vương quốc Bỉ, Ngày lễ Nhà vua Bỉ được tổ chức vào ngày 15/11 hàng năm. Cho tới năm 2001, Quốc hội Liên bang Bỉ cũng tổ chức các buổi lễ để vinh danh nhà vua, với sự hiện diện của các thành viên Hoàng gia Bỉ và các quan chức chính phủ.
Tại Việt Nam, Ngày lễ Nhà vua Bỉ là dịp để kiều bào Bỉ cùng nhau kỷ niệm ngày lễ truyền thống này và cũng là dịp tôn vinh những thành tựu chung trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Bỉ.
Năm nay, Ngày lễ Nhà Vua Bỉ được tổ chức quy mô nhỏ để phòng chống Covid-19. Đại sứ Paul Jansen cho biết, thay vì một sự kiện lớn với các bài phát biểu chính thức, sẽ có “một số tiệc chiêu đãi ở quy mô nhỏ hơn”. Đại sứ quán Bỉ sẽ mời các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Bỉ tới tham dự lễ kỷ niệm năm nay.