Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Liên bang Nga: Sức sống bền bỉ, vượt biến động của lịch sử

Trải qua hơn 74 năm với nhiều diễn biến khó lường của bối cảnh thế giới, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã chứng minh sức sống bền bỉ qua sự gắn bó, hiểu biết và tin cậy; sự giúp đỡ và hợp tác lẫn nhau trong suốt những năm tháng đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, khôi phục kinh tế sau ngày đất nước được thống nhất, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển ngày nay.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6/2024. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân. Các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể sẽ được đề ra, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai.

Tiếp nối truyền thống hữu nghị

Ngày 30/1/1950, Liên Xô trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên Xô đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trên thực tế, tình cảm đặc biệt giữa hai dân tộc đã được đặt nền móng từ 3 thập kỉ trước đó, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, năm 1923 lần đầu đặt chân đến nước Nga Xô Viết để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân phong kiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Liên Xô đã triển khai các mối hợp tác song phương, trước hết bằng việc ký kết một số hiệp định, hiệp nghị, hiệp ước hợp tác. Tháng 7/1955, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Liên Xô và gặt hái kết quả thiết thực trên nhiều phương diện. Ngày 18/7/1955, phát biểu tại sân bay trước khi rời Moscow, Người nói bằng tiếng Nga: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”. Về phía Liên Xô, tháng 2/1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin thăm chính thức Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác gần gũi giữa hai nước.

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu đó trong nhiều thập niên là một nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Ngược lại, nhân dân Nga cũng chưa bao giờ quên những người con ưu tú của Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ thủ đô Moscow khỏi phát xít Đức trong giai đoạn Thế chiến II ác liệt.

Sau khi Liên Xô tan rã, các mặt hợp tác giữa Việt Nam – Liên bang Nga (quốc gia kế thừa Liên Xô) tiếp tục được kế thừa. Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ song phương, năm 1994 hai nước ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế. Kể từ thời điểm lịch sử này, quan hệ Việt - Nga có những tiến triển mới, được nâng lên tầm cao về chất.

Năm 2001, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga, đưa Liên bang Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam, tạo nền tảng hợp tác Việt - Nga trong thế kỷ XXI. Vượt qua biến động của bối cảnh thế giới, hai nước tiếp tục giữ vững mối quan hệ và phát triển mối quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Vạch định hướng phát triển mới của quan hệ Việt-Nga

Ba thập kỉ thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga được triển khai tích cực với nhiều kết quả. Trong đó, hợp tác chính trị-ngoại giao là điểm sáng với sự tin cậy rất cao và được củng cố thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường xuyên. Những năm qua, Việt Nam và Liên bang Nga phát triển quan hệ trên nhiều kênh, từ kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn thảo nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn quốc tế, tạo sự đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sochi (Liên bang Nga) năm 2018. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sochi (Liên bang Nga) năm 2018. Ảnh: TTXVN

Tại buổi thông tin về tình hình Liên bang Nga mới đây, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Genady Bezdetko khẳng định, Nga ưu tiên thúc đẩy hợp tác với ASEAN, trong đó, luôn coi trọng và mong muốn củng cố mối quan hệ hữu nghị bền chặt với Việt Nam, một trong những đối tác then chốt của Nga tại Đông Nam Á.

Nhờ lực đẩy của tin cậy chính trị cao, hai bên đã tích cực cải thiện hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự rất được coi trọng. Hợp tác năng lượng tiếp tục hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước, hiện là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Liên bang Nga. Đáng chú ý, hợp tác dầu khí Việt - Nga đã có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Theo Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov, hai nước đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (mà Nga là thành viên quan trọng), nhằm gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên tới 10 tỷ USD vào năm 2025. Ông Kharinov nhận định, Việt - Nga có nhiều tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp ôtô, dược phẩm, y tế và công nghệ thông tin.

Trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, hai nước tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin thông tin, từ 2019, Nga mỗi năm cấp 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại gần 200 trường đại học Nga, nhiều hơn thời Liên Xô. Các hoạt động giao lưu văn hóa - học thuật được tổ chức thường xuyên, để lại những ấn tượng và dư âm rất tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục tôn vinh những thành tựu trong quá khứ, nắm bắt cơ hội của hiện tại và vạch ra con đường rộng mở hướng tới tương lai tốt đẹp của tình hữu nghị gắn bó thủy chung và Đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.

Phùng Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/quan-he-huu-nghi-truyen-thong-viet-nam--lien-bang-nga-suc-song-ben-bi-vuot-bien-dong-cua-lich-su-i734786/