Quan hệ Mỹ - Nga và 'chiến tranh lai'
Chiến tranh lai là cuộc chiến đa phương tiện và đa mặt trận nhằm đạt được mục đích mà không bị quy kết hoặc phản đòn.
Chiến tranh lai là cuộc chiến đa phương tiện và đa mặt trận. (Nguồn: Mpcoe.org)
Chiến tranh lai thông thường diễn ra trên ba chiến trường khác biệt: chiến trường thông thường, dân bản địa tại khu vực xung đột, và cộng đồng quốc tế. Một bài báo được đăng trên Global Security Review có tên "Chiến tranh lai là gì?" đã so sánh khái niệm “chiến tranh lai” với chiến tranh "phi tuyến tính" của Nga - triển khai "các lực lượng quân sự thông thường và bất thường kết hợp với các cuộc tấn công tâm lý, kinh tế, chính trị và không gian mạng".
Chiến tranh lai (hybrid warfare, hybrid war) - được mệnh danh là chiến tranh thế hệ 5 - là một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng. Cùng với đó là các phương thức gây ảnh hưởng khác, như tin tức giả, ngoại giao, luật pháp và can thiệp bầu cử… Bằng cách kết hợp các chiến dịch không lộ liễu với các nỗ lực lật đổ, kẻ xâm lược trốn bị quy kết hoặc phản đòn.
Trong "chiến tranh lai", các điểm yếu của đối phương đôi khi được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng hơn, thông qua các hoạt động bất đối xứng, các quốc gia có tiềm lực quân sự thấp hơn có thể khuếch đại lợi thế của mình, từ đó, tạo ra ưu thế và hạn chế các điểm yếu để tấn công đối thủ.
Có nhiều thuật ngữ được sử dụng để chỉ khái niệm chiến tranh lai như chiến tranh phi tuyến tính (non-linear war), chiến tranh phi truyền thống (non-traditional war) hoặc chiến tranh đặc biệt (special war)...
Lý thuyết "chiến tranh lai" có nguồn gốc từ Mỹ và phương Tây, nhưng Nga đã tiếp thu các nguyên tắc đồng thời phát triển nó và áp dụng trong thu hồi Crimea, khiến NATO choáng váng - hình mẫu thành công của chiến tranh lai. Cụ thể, Nga đã sử dụng chiến lược tuyên truyền để thu hút tình cảm thân Nga trong dân chúng Crimea, sau đó phái lực lượng đặc nhiệm và quân chủ lực bí mật thâm nhập Crimea, mặt khác, lực lượng tình báo phá vỡ hệ thống chỉ huy của Ukraine vào thời điểm quan trọng và quân đội Nga đã chiếm quyền kiểm soát nhiều nơi. Bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 3/2014, theo đó, 96,77% cử tri và 95,6% cư dân của Sevastopol đã ủng hộ sáp nhập vào Nga.
Ngày 21/3/2014, Tổng thống Nga Putin đã ký luật phê chuẩn việc Crimea và Sevastopol gia nhập thành phần nước Nga - thu hồi phần đất vốn thuộc nước Nga bằng tổng hòa các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, trong đó quân sự chỉ giữ vai trò thứ yếu. Cần phải nói thêm, trong sự kiện Crimea năm 2014, khi đưa quân đội vào Crimea, Nga đã phối hợp toàn diện, nhịp nhàng, và hiệu quả nhiều phương pháp, từ chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý, đồng thời "bắn tin" "sẵn sàng sử dụng sức mạnh hạt nhân" để ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây.
Hôm 10/4 vừa qua, trang Topwar.ru đã đăng tải bài viết “Chiến tranh hỗn hợp chống Nga: Mỹ đã xác định các hướng chính”, theo đó, nỗi lo sợ mất vị trí thống trị thế giới buộc Mỹ phải khiêu khích và duy trì một tình trạng tiền chiến tranh trên toàn cầu. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình bị xóa bỏ, và chiến tranh mang bản chất “lai” mà mục tiêu chính của nó là làm kiệt quệ kẻ thù, làm xấu đi tình hình kinh tế và sự ổn định chính trị-xã hội của đối phương. Thiệt hại từ những chiến dịch như vậy có thể không kém so với cuộc xung đột vũ trang truyền thống về kinh tế, tuy không có số lượng lớn binh sĩ thiệt mạng, hoặc xe tăng và máy bay bị phá hủy.
Ý tưởng của chiến tranh lai là đạt được mục đích mà không bị bị quy kết hoặc phản đòn. (Nguồn: orientalreview.org)
Theo bài báo trên, cách đây không lâu, tổ chức RAND ("Research ANd Development") của Mỹ, tham gia vào nghiên cứu các vấn đề chính trị-quân sự, đã công bố một báo cáo có tên “Nước Nga quá căng thẳng và mất cân bằng. Đánh giá chi phí của các lựa chọn tác động”. Báo cáo này liệt kê các lĩnh vực chính cùng một loạt các biện pháp cụ thể mà Mỹ nên nỗ lực đẩy mạnh để làm suy yếu Nga: kinh tế, tư tưởng (và chính sách thông tin), địa chính trị và quốc phòng.
Trong số các biện pháp kinh tế, các chuyên gia của RAND liệt kê việc tăng sản xuất năng lượng tại Mỹ, tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga trong lĩnh vực thương mại và tài chính, định hướng lại châu Âu về các nguồn mua khí đốt thay thế, kích thích di cư từ Nga các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ cao và những người trẻ tuổi có nhiều triển vọng. Trên thực tế, Mỹ đã tích cực theo đuổi các mục tiêu của mình - các lệnh trừng phạt đã được áp dụng từ lâu.
Đối với lĩnh vực chính sách tư tưởng và thông tin, các biện pháp được RAND khuyến nghị gồm tuyên truyền chống nhà nước dựa trên sự thất vọng của dân chúng đối với chính sách của chính phủ, làm suy yếu niềm tin vào hệ thống bầu cử, kích thích các cuộc biểu tình và các hoạt động chống đối, làm mất uy tín của Nga trong mắt các quốc gia khác và chính của dân Nga… Các biện pháp địa chính trị - trước hết, Mỹ nỗ lực để bao vây Nga bằng một vành đai các quốc gia không thân thiện.
Mỹ được cho là đang tiến hành chiến tranh lai chống lại Nga. (Nguồn: strategyinternational.org)
Trọn một chương trong báo cáo được dành cho các biện pháp quân sự, được chia làm nhiều nhóm. Nhóm đầu tiên, theo RAND là tăng đầu tư của Mỹ vào quốc phòng và an ninh - các lĩnh vực quan trọng như hệ thống phòng thủ tên lửa, vũ khí không gian, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tác chiến điện tử, phát triển máy bay không người lái. Nhóm thứ hai - tập trung lực lượng và phương tiện gần biên giới Nga, bao gồm máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa; triển khai thêm vũ khí hạt nhân ở châu Âu và châu Á, mở rộng sự hiện diện của hải quân Mỹ và đồng minh ở khu vực Bắc Cực, Baltic và Biển Đen. Nhóm thứ ba - tăng số lượng lính Mỹ ở châu Âu, hỗ trợ các đồng minh Mỹ trong việc tăng cường năng lực quân sự, triển khai lực lượng và phương tiện của NATO gần biên giới Nga và tăng tần suất tập trận của liên minh này ở châu Âu.
Sự hiện diện của bản báo cáo buộc Nga đồng thời đánh giá toàn bộ tình hình, nguy cơ..., và thực hiện các biện pháp để vô hiệu hóa các hành động thù địch của Mỹ. Trong các lĩnh vực chính sách tư tưởng, thông tin và kinh tế, nước Nga đang gặp những vấn đề rất lớn. Tương tự, với “chảy máu chất xám” - trong nhiều thập kỷ và cho đến hiện tại, ở Nga người ta đã nói nhiều về các điều kiện phù hợp cho các chuyên gia - từ lương cho đến cuộc sống và công việc hàng ngày - nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-nga-va-chien-tranh-lai-113752.html