Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi bom hạt nhân hóa 'gân gà'

Vũ khí hạt nhân, tài sản chiến lược bất kỳ một quốc gia nào cũng mong muốn, giờ đây lại trở thành 'gân gà' của Mỹ trong quan hệ trắc trở với Thổ Nhĩ Kỳ. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Căn cứ không quân Incirlik, nơi cất giữ 50 quả bom hạt nhân B-61 của Mỹ. (Nguồn: Incirlik Air Base)

Thời Tam quốc, Tào Tháo từng có lần giao chiến với quân Thục, nhưng đánh không nổi Mã Siêu nên phải lui về cửa khẩu Tà Cốc. Tháo đóng quân lâu ngày, tấn công chẳng được, thu quân lại sợ Thục cười, lòng phân vân.

Đêm hôm đó, quan bếp dâng canh tới, Tháo thấy gân gà, lòng bùi ngùi, đang ngám ngẩm thì tướng Hạ Hầu Đôn bước vào xin hiệu lệnh đêm. Tháo bèn buột miệng: “Gân gà! Gân gà!”. Chủ bạ hành quân Dương Tu nghe thấy, bèn bảo mọi người sớm chuẩn bị hành trang rút về. Hạ Hầu Đôn hốt hoảng đến hỏi, Dương Tu liền giải thích: “Xem hiệu lệnh đêm nay, biết Ngụy vương sắp rút về, gân gà ăn không có thịt, vứt thì tiếc. Đánh không thắng, sợ người cười, ở đây vô ích, chi bằng về đi cho sớm.” “Gân gà” khi ấy được dùng để chỉ tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Ngày 17/10, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định sự hiện diện của 50 quả bom hạt nhân tại căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết giới chức Mỹ đang thảo luận “hồi hương” tài sản chiến lược này. Song Mỹ giờ đây lại rơi vào tình cảnh Tào Tháo năm nào; thứ ai cũng muốn giờ lại là “gân gà” của Washington trong quan hệ trắc trở với Ankara.

Khi tình thân xuống cấp

Sở dĩ có câu chuyện này bởi quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển biến phức tạp.

Đầu tiên, việc Moscow và Ankara nhất trí về thỏa thuận phân chia tầm ảnh hưởng tại Syria không chỉ xóa bỏ bất đồng về triển khai lực lượng ở quốc gia Trung Đông, mà còn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Đổi lại, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đà đi xuống. Thỏa thuận “cực chẳng đã” của hai bên ngày 18/10 nhằm chấm dứt chiến sự ở vùng Đông Bắc Syria tỏ ra không hiệu quả. Khi giấy chưa ráo mực, Tổng thống Tayyip Erdogan đã chỉ trích Mỹ “không tuân thủ đầy đủ cam kết” và cho rằng thỏa hiệp là mở đường cho tổ chức khủng bố. Trước đó, Ankara đã phớt lờ đe dọa của Washington để tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 của Moscow. Đáp lại, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt giới Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt nguồn cung vũ khí cho quốc gia này.

Cuối cùng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhiều lần mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9, ông khẳng định: “Vũ khí hạt nhân nên bị cấm sử dụng hoặc được phát triển bởi bất kỳ ai…Thế giới có nhiều hơn 5 quốc gia. Đã đến lúc chúng ta thay đổi tâm thế, thể chế, tổ chức và luật chơi.” Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có quyền phát triển vũ khí hạt nhân, đóng vai “nước lớn” để xây dựng lại luật chơi có lợi cho mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thưở còn thân thiết năm 2017. (Nguồn: Getty Images)

Bỏ thì nguy…

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ cân nhắc rút tài sản chiến lược từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước có thể được giải thích bằng một số lý do sau.

Thứ nhất, Washington không còn lợi ích khi đặt vũ khí hạt nhân tại Ankara. 50 quả bom hạt nhân B-61, vốn được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến tranh Lạnh, đóng vai trò răn đe, kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ các trang thiết bị và nhân lực cần thiết để thực hiện các vụ ném bom hạt nhân. Hợp đồng mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 với khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, hiện đã bị hủy bỏ.

Ngoài ra, sau vụ đảo chính năm 2016 tại Ankara, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ đã lên kế hoạch đưa tài sản chiến lược này hồi hương, song lại chưa thực hiện được. Việc duy trì cơ sở vật chất cùng lực lượng vũ trang bảo vệ những vũ khí này cũng tiêu tốn một khoản không hề nhỏ tiền thuế Mỹ.

Thứ hai, quan hệ ngày một thân thiết của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa rằng tài sản chiến lược của Washington trên lãnh thổ Ankara có nguy cơ bị Moscow tiếp cận.

Thứ ba, lập trường mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc nước này có thể tìm cách thu thập dữ liệu, tham khảo thông tin về tài sản chiến lược của Mỹ.

Thứ tư, từng có lập luận cho rằng việc đặt vũ khí hạt nhân tại một quốc gia thứ ba giờ là vi phạm điều I và điều II Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Như vậy, Mỹ cần tuân thủ NPT trước khi buộc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động tương tự.

Thứ năm, dù 50 quả bom hạt nhân B-61 có được di dời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng tại châu Âu và châu Á, Mỹ vẫn còn 130 quả bom B-61 tại Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan, sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào. Tuy vậy, đây vẫn là lời cảnh cáo tới thành viên châu Âu trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Liên minh châu Âu (EU) miễn phí nữa. Quan trọng hơn, nó tuân thủ tinh thần “Nước Mỹ trên hết” mà ông Donald Trump khởi xướng, tập trung củng cố sức mạnh quốc gia thay vì phân tán lực lượng ở bên ngoài.

... truy thì mệt

Tuy nhiên, triển khai một kế hoạch “hồi hương” tài sản chiến lược của mình như thế nào cũng là bài toán không hề đơn giản với Mỹ bởi hai lý do chính.

Đầu tiên, vận chuyển vũ khí hạt nhân rất tốn kém, phức tạp và tiềm ẩn rủi ro. Những hoạt động như vậy sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ. Đồng thời, đây là dự án táo bạo với ông Mark Esper, khi ông tiếp quản Lầu Năm góc chưa lâu và sai sót, dù nhỏ, vẫn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Di dời một lượng lớn vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của Ankara sẽ là nhiệm vụ “đắt đỏ” và không hề dễ dàng cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. (Nguồn: AP)

Song điều Mỹ lo ngại nhất trong vấn đề này lại là lực cản từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Donald Trump lỡ bước, Ankara có thể nắm bắt cơ hội, từ chối yêu cầu từ phía Washington và sử dụng 50 quả bom hạt nhân này làm tin để đàm phán điều khoản có lợi. Một trong số đó có thể là gây áp lực buộc Mỹ cho phép phát triển vũ khí hạt nhân hay thiết thực hơn, yêu cầu Washington dẫn độ Giáo sỹ lưu vong Fethullah Gulen về Ankara để xét xử vì tội phản quốc, âm mưu đảo chính năm 2016. Đây là kịch bản mà Mỹ không mong muốn.

Trong câu chuyện “gân gà”, Tào Tháo cuối cùng đã phải rút quân, mặc cho người Thục cười chê, bởi bảo toàn thực lực, tránh lãng phí tài nguyên mới là điều quan trọng. Với Washington, rút 50 quả bom hạt nhân B-61 về nước là cần thiết, song cái giá phải trả rõ ràng sẽ không hề rẻ và Tổng thống Donald Trump chắc hẳn còn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định cuối cùng.

Phan Quân

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-my-tho-nhi-ky-khi-bom-hat-nhan-hoa-gan-ga-103313.html