Quan hệ Mỹ - Trung đang ở trạng thái rơi tự do, thương chiến bước vào giai đoạn mới
Cuộc thương chiến của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới vào ngày Chủ nhật 1/9. Với việc đợt thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiếp tục đối chọi nhau.
The New York Times ngày 2/9 đã đăng bài của tác giả Ana Swanson phân tích về quan hệ Mỹ - Trung và cuộc chiến thương mại giữa hai nước hiện nay. Bài báo viết:
Trước ngày 1/9, các mức thuế mà Mỹ áp đối với hàng hóa nước ngoài đã cao hơn bất cứ lúc nào kể từ những năm 1960. Mức thuế mới 15% áp dụng hôm 1/9 là nhằm vào thực phẩm, quần áo, máy cắt cỏ và hàng ngàn sản phẩm “Made in China” khác. Đồng thời, Tổng thống Trump vẫn đang chuẩn bị đánh thuế đối với hầu như mọi các sản phẩm được chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ. Số liệu của Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) cho thấy, động thái này đã đưa mức thuế bình quân đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu 3,1% khi ông Trump bắt đầu nhậm chức Tổng thống tăng lên thành 21,2% hiện nay.
Đáp lại, Trung Quốc đã tăng các rào cản đối với các công ty Mỹ và các sản phẩm của họ, đồng thời giảm bớt rào cản đối với các nước khác. Kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm mạnh, Trung Quốc lâu nay đã là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhưng nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí đối tác mậu dịch thứ 3 của Mỹ, đứng sau Mexico và Canada.
Ông Donald Trump ký quyết định gia tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ. Ảnh: Internet
Các công ty Mỹ từng cho rằng một cuộc chiến thương mại sẽ sớm biến mất, bây giờ đang vật lộn để giảm kinh doanh tại Trung Quốc. Một số công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác để tránh mức thuế sẽ sớm được tăng lên đến 30%.
Khi bắt đầu một cuộc chiến thương mại, ông Trump nói rằng mục tiêu của ông là cải thiện điều kiện kinh doanh cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tạo ra môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp Mỹ được cạnh tranh công bằng với các công ty Trung Quốc.
Ông nói, cách tiếp cận mạnh mẽ của ông sẽ dẫn đến một hiệp định thương mại lịch sử cho phép Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp trị giá hàng tỷ USD và ngăn chặn hành vi trộm cắp công nghệ từ các công ty Mỹ của Bắc Kinh.
Nhưng sau cuộc đàm phán kéo dài suốt mấy tháng, Trung Quốc từ chối nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ, sách lược của ông Trump đã trở nên mang tính trừng phạt hơn. Từ lúc bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump luôn nhấn mạnh, ông coi hai nước Mỹ - Trung là các đối thủ cạnh tranh kinh tế và địa chính trị. Gần đây, ông lại chủ trương Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng “thoát móc xích”. Trong 20 năm qua, hai quốc gia này đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Do thương chiến leo thang, ông Donald Trump lần đầu tiên gọi ông Tập Cận Bình là "đối thủ". Ảnh: Reuters
Cách đây hơn một tuần, ông Trump đã gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “đối thủ” và đe dọa sẽ sử dụng quyền lực khẩn cấp của Tổng thống để buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Ông đã tăng thêm mức thuế đã được áp dụng và sẽ được áp dụng. Phụ tá của ông nói, Tổng thống tiếc là chưa tăng thuế đến một mức cao hơn nữa.
Ông Trump vừa muốn các công ty Mỹ có được có một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn ở Trung Quốc; đồng thời lại khiến các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc gặp họa. Mục tiêu như vậy là tự mâu thuẫn, có thể khiến cho cuộc chiến tranh thương mại hạn chế lúc ban đầu sa vào vũng lầy lâu dài và trả giá đắt, khiến người ta hầu như không biết Mỹ và Trung Quốc làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn này.
“Đối với những người ủng hộ việc sử dụng thuế quan như một công cụ để đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận, tất cả những thứ đó hiện đều không còn quan trọng” – ông Scott Kennedy, Chuyên gia vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. “Đây là tổn thất vô nghĩa. Những tổn thất vô nghĩa này sẽ rơi vào đầu những công ty bị mất cơ hội xuất khẩu và người tiêu dùng, những người sẽ phải chi nhiều tiền hơn, nhưng lựa chọn ít hơn”.
Một con tàu đang lên hàng tại cảng Thanh Đảo. Ông Trump hiện đã nâng mức thuế quan của Mỹ lên mức cao nhất kể nừ năm 1960. Ảnh: AFP/Getty Images
Nếu Trung Quốc có những nhượng bộ, hoặc nếu nền kinh tế Mỹ yếu đi, có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế, đặc biệt là khi cuộc tổng tuyển cử đến gần, thì ông Trump có thể thay đổi sách lược.
Nhưng cho đến nay hầu như có rất ít dấu hiệu cải thiện tình hình, chỉ có những âm thanh chói tai. Giữa hai nước Mỹ - Trung vẫn tồn tại sự khác biệt rất lớn. Tháng 7 năm nay, cuộc thảo luận sơ bộ được tổ chức tại Thượng Hải đã không có bất kỳ tiến bộ đáng kể nào, nhưng hai bên có thể gặp lại nhau vào tháng 9.
“Tôi nghĩ đây là một nguyên nhân khiến chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận - đó là, trong nội bộ chính phủ có những mục tiêu tự mâu thuẫn nhau”, ông Wendy Cutler, Phó Giám đốc “Viện nghiên cứu Chính sách Châu Á” (Asia Society Policy Institute) từng giữ chức Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trước đây, cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, điều này làm cho Trung Quốc không chắc chắn về phương hướng sắp tới”.
Ông Trump tiếp tục nhấn mạnh, người bị tổn hại bởi thuế quan của ông là Trung Quốc chứ không phải các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Thứ Sáu tuần trước (29/8) ông đã chỉ ra rằng, hưởng ứng quyết định tăng thuế của ông, các công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc; động thái này đã mang lại cho Mỹ một “vị thế đàm phán khó tin”. Ông nói, bất kỳ công ty nào oán trách thuế quan đem lại tổn thất tài chính của doanh nghiệp thì đều sai lầm khi bỏ qua thủ phạm rõ ràng gây ra những phiền hà cho họ.
Ông Scott Kennedy: Những tổn thất vô nghĩa do việc tăng thuế sẽ rơi vào đầu những công ty bị mất cơ hội xuất khẩu và người tiêu dùng.
“Nhiều công ty kinh doanh kém đang định đổ lỗi cho thuế quan”, ông Trump nói với các phóng viên trước khi đến Trại David. “Nói cách khác, họ kinh doanh không tốt, hiệu suất hoạt động trong quý của họ kém hoặc họ gặp xui xẻo ở một số lĩnh vực. Đây không phải là vấn đề thuế quan. Đây gọi là quản lý tồi”.
Chính phủ Trump tiếp tục tìm kiếm những cách khác để hạn chế khả năng của các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đang chuẩn bị đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, không cho phép các công ty Mỹ bán các công nghệ nhạy cảm như: trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử cho các công ty Trung Quốc. Bộ Thương mại cũng sẽ đưa công ty thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei và một số công ty công nghệ Trung Quốc khác vào danh sách đen, cấm họ mua các công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy ai làm những gì Tổng thống Trump đang làm”, Chad P. Bown, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói. “Có vẻ như điều này ngày càng trở nên chuyện bình thường”.
Nghiên cứu của Chad P. Bown cho thấy, một cuộc chiến thương mại đang bước vào một giai đoạn leo thang nhanh chóng. Kể từ giữa tháng 10 năm 2018 tới giữa năm nay, các mức thuế giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung vẫn giữ mức cố định. Nhưng sau khi đàm phán hai bên đổ vỡ vào tháng 5 năm nay, ông Trump đã khởi động một loạt các kế hoạch tăng thuế, trong vòng 6 tháng đưa mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc tăng thêm khoảng 12% và cuối cùng sẽ đánh thuế với hầu hết hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc đã tăng mức thuế đối với 75 tỷ USD các sản phẩm Mỹ và đình chỉ việc mua các mặt hàng nông sản của Mỹ.
“Cuộc chiến thương mại đã dần dần nóng lên trong một khoảng thời gian, nhưng tình hình hiện tại quả thực đang leo thang nhanh chóng”, Chad P. Bown nói.
Từ 1/9, Trung Quốc bắt đầu thu mức thuế 33% đối với đậu tương Mỹ, trong khi thuế nhập khẩu của Trung Quốc với đậu tương Brazil hoặc Argentina chỉ có 3%, Chad P. Bown nói. Từ ngày 15 tháng 12, Trung Quốc sẽ thu mức thuế 42,6%, đối với ô tô và phụ tùng ôtô Mỹ, trong khi thuế đối với sản phẩm tương tự từ Đức và Nhật Bản là 12,6%.
Hãng sản xuất đồ chơi Hasbro cho biết sẽ chuyển chuỗi cung ứng của họ đến trung tâm sản xuất mới tại Việt Nam. Ảnh: The New York Times
Những rào cản này đang nhanh chóng sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu. Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 12%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19%. Mậu dịch của Trung Quốc với các nước khác lại tăng lên, một phần đã bù đắp sự suy giảm trong thương mại với Mỹ.
Một số công ty đa quốc gia lớn trong những ngày gần đây tuyên bố, đang cố gắng nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro, cũng như Express và hãng bán lẻ quần áo Abercrombie & Fitch, cho biết sẽ chuyển chuỗi cung ứng của họ đến trung tâm sản xuất mới ở các nước Đông Nam Á. Do lương ở Trung Quốc liên tục gia tăng, việc di chuyển các chuỗi cung ứng đã bắt đầu, nhưng cuộc chiến thương mại đã khiến việc di chuyển này trở thành ưu tiên hàng đầu về tài chính.
Ông Harvey S. Kanter, chủ tịch của tập đoàn chuyên bán quần áo nam size lớn Destination XL Group nói trong hội nghị báo cáo thu nhập họp tuần trước: “Tuy chúng tôi vẫn ở khu vực này của thế giới, nhưng chúng tôi đã rời khỏi Trung Quốc với một cách rất có ý nghĩa”.
Express hồi tuần trước đã thông báo với các nhà đầu tư, công ty lên kế hoạch để giảm tỷ lệ sản xuất thành phẩm ở Trung Quốc từ 20% hiện nay xuống 8% trong năm tới.
Những quyết định này đòi hỏi các công ty phải đầu tư lớn để xây dựng cơ sở mới, tuyển chọn và đào tạo công nhân. Ngay cả khi hai nước Mỹ - Trung cuối cùng thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh thương mại, thì những quyết định này cũng rất khó thay đổi.
“Chúng tôi đặt ra một rào cản rất cao cho việc quay lại quá khứ, điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể không quay lại quá khứ”, ông Harvey S. Kanter nói. “Tôi cảm thấy mối quan hệ Trung - Mỹ hiện nay về cơ bản đang trong trạng thái rơi tự do”.
Mỗi lần tăng thuế cũng dẫn Mỹ đi theo hướng ngược lại chính sách thương mại trong mấy thập kỷ qua. Torsten Slok, nhà kinh tế hàng đầu của Deutsche Bank Securities nói, trong nhiều năm qua, Mỹ nỗ lực hạ thấp thuế quan và khuyến khích thương mại tự do; thế mà bây giờ mức thuế quan quân bình của họ đã vượt qua nhiều nước phát triển khác và cả nhiều nước đang phát triển trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Sloek nói, mặc dù con đường giảm thuế quan không bằng phẳng, nhưng mức thuế quan bình quân của Mỹ trong 200 năm qua luôn có xu hướng giảm. “Hiện đang xuất hiện xu hướng đảo ngược, mức thuế đang tăng đến mức chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua”, ông kết luận.
(Theo The New York Times)