Quan hệ Mỹ - Trung khó cải thiện sớm?
Bắc Kinh cho rằng Washington cần sửa chữa những sai lầm gần đây và Mỹ - Trung nên tôn trọng các giá trị cốt lõi, con đường phát triển của nhau
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 6-2 đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Hai quan chức này đã trao đổi về một số vấn đề đang khiến quan hệ song phương căng thẳng.
Tuyên bố được hai bên đưa ra sau cuộc điện đàm cho thấy vẫn còn nhiều khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh Washington sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các giá trị, lợi ích mà họ chia sẻ nhằm buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về các nỗ lực "đe dọa sự ổn định" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hành động "coi thường" hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong khi đó, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Blinken rằng Mỹ cần "sửa chữa" những sai lầm gần đây và hai bên nên tôn trọng hệ thống chính trị, các giá trị cốt lõi và con đường phát triển của nhau.
Theo ông Dương, hai nước nên làm việc cùng nhau để duy trì tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ông Dương nhấn mạnh tình hình Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng là chuyện nội bộ của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận mọi hành động can thiệp từ bên ngoài. Ông Dương cũng gọi Đài Loan là vấn đề cốt lõi nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc điện đàm trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh thời Tổng thống Donald Trump. Theo Reuters, giới chức Trung Quốc bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng rằng mối quan hệ này sẽ cải thiện sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền. Dù vậy, không có nhiều dấu hiệu cho thấy thay đổi như thế sẽ sớm xảy ra.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên hôm 4-2, ông Biden gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, đồng thời cam kết sẽ thách thức Bắc Kinh trong một loạt vấn đề như nhân quyền, sở hữu trí tuệ, quản trị toàn cầu…Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ Mỹ vẫn sẵn sàng "hợp tác với Trung Quốc" khi điều này phục vụ lợi ích của Washington.
Không dừng lại ở lời nói, theo đài CNBC, Tổng thống Joe Biden còn bổ sung một số chuyên gia về châu Á vào đội ngũ phụ trách chính sách đối ngoại, đáng chú ý là ông Kurt Campbell đảm nhận vị trí điều phối chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh quốc gia.
Theo một số chuyên gia, động thái trên cho thấy ông Biden muốn tập trung nhiều hơn vào khu vực này, đồng thời củng cố quan hệ với các nước đồng minh tại đó. Từng làm trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương và đóng góp vào chiến lược xoay trục sang châu Á thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Campbell là nhân vật quen thuộc đối với chính quyền nhiều nước tại châu Á.
Cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, ông Kurt Campbell dự kiến sẽ đóng vai trò lớn trong việc hình thành chính sách với châu Á nói chung và với Trung Quốc nói riêng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định 3 quan chức nói trên sẽ dành phần lớn thời gian để củng cố các mối quan hệ đồng minh tại châu Á và châu Âu nhằm đối phó Bắc Kinh. Theo ông Kennedy, chiến lược này sẽ trái ngược với hướng tiếp cận của ông Trump - đơn phương đối đầu Bắc Kinh nhưng không mang lại nhiều kết quả.
Thông điệp mạnh mẽ của Washington
Tổng thống Joe Biden dường như muốn gửi đến Trung Quốc thông điệp mạnh mẽ sau khi Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên ở biển Đông trong nhiệm kỳ mình: Đừng mong Washington giảm bớt hoạt động quân sự ở vùng biển này. FONOP này diễn ra hôm 5-2. Khi đó, tàu khu trục USS John S.McCain đi gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc kiểm soát trái phép) để khẳng định các quyền và tự do hàng hải.
Theo nhận định của báo The Japan Times (Nhật Bản), chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đang tìm cách duy trì một số chiến lược được thực hiện thời người tiền nhiệm Donald Trump. Cụ thể, tổng số lượng FONOP của Mỹ ở biển Đông đã tăng lên ít nhất 19 trong 2 năm 2019 và 2020, so với con số 6 trong năm 2018 và 4 trong năm 2017.
Ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho rằng FONOP mới nhất của tàu chiến Mỹ ở biển Đông nhằm phát đi tín hiệu đến cả Trung Quốc và các đồng minh, đối tác của Washington tại khu vực. Nó cho thấy chính quyền ông Biden không chỉ nói suông về chuyện phản đối hành vi khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Đông. Ngoài ra, Washington còn muốn tiếp tục trấn an các đồng minh, đối tác về cam kết của mình đối với khu vực.