Quan hệ Nga-Mỹ trở nên bất định sau các lệnh trừng phạt mới
Vòng xoáy trừng phạt mới khiến quan hệ giữa hai nước trở nên bất định, đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu.
Trước việc Mỹ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào 32 cá nhân và pháp nhân Nga, giới chức nước này tuyên bố, sẽ đáp trả tương xứng, theo nguyên tắc “có đi có lại”. Vòng xoáy trừng phạt mới khiến quan hệ giữa hai nước trở nên bất định, đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu.
Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020. Đặc biệt, các hạn chế được đưa ra đối với 32 cá nhân và pháp nhân Nga, cùng 6 công ty công nghệ của nước này. Các tổ chức tín dụng Mỹ bị cấm mua chứng khoán nợ của Nga. Ngoài ra, Washington sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.
Về tác động đối với nền kinh tế Nga, chuyên gia kinh tế Anton Shabanov lưu ý rằng, đây không phải là những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà Nga có thể phải đối mặt, nhưng chúng là những biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đầu tiên được áp dụng đối với nợ quốc gia của nước này. Có nghĩa là, trong tương lai, nếu Nga cần vốn vay, nước này vẫn có thể đưa ra các khoản nợ công của mình trên thị trường quốc tế.
Nhưng người Mỹ và các quốc gia lắng nghe họ sẽ không thể mua nó, để không bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Nga sẽ khó vay tiền hơn khi cần cho nhu cầu nội bộ. Nước này sẽ phải thu hút những người đi vay thay thế bằng cách cung cấp cho họ một mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu của mình. Và điều này sẽ dẫn đến thực tế là đồng rúp so với các loại tiền tệ khác sẽ giảm giá, không thể đoán trước nó sẽ giảm bao nhiêu.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga lưu ý rằng, tỷ lệ của các nhà đầu tư nước ngoài trong tổng khối lượng nợ chính phủ và ở các vị trí chính đã giảm đáng kể trong năm qua. Vào đầu tháng 4, đầu tư của những người không cư trú vào trái phiếu cho vay liên bang(OFZs) đã giảm xuống còn 19,7% tổng khối lượng đang lưu hành và thị phần của họ trong các vị trí chính của OFZ trong tháng 3 là khoảng 10%.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nếu các hạn chế được áp dụng đối với khoản nợ của Chính phủ Nga, cơ quan này sẽ dựa vào các nhà đầu tư trong nước để trang trải các nhu cầu tài trợ thâm hụt ngân sách.
Về phần mình, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina nói rằng, cơ quan quản lý sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng trong trường hợp áp đặt các lệnh trừng phạt. Những hạn chế như vậy có thể gây ra biến động ngắn hạn về thanh khoản trên thị trường, nhưng mức nợ của chính phủ Nga là rất nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế. Bà khẳng định, Ngân hàng Trung ương có tất cả các công cụ để đối phó với sự biến động của thị trường tài chính.
Chuyên gia về lạm phát Mikhail Belyaev cũng tin chắc rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các nhà tài chính do bị hạn chế trong việc vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng hầu như sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết người dân Nga. Theo ông, có thể tìm thấy một cách thoát khỏi tình trạng này, đó là chuyển vay sang thị trường nội địa hoặc thị trường châu Á.
Vấn đề đáng quan ngại hơn, đó là các lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra, chỉ 2 ngày sau cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Nhà Trắng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông Biden mời người đồng cấp của mình đến gặp ở nước thứ ba.
Nhà tư vấn chính trị Andrei Perla giải thích rằng, các nhà chức trách Mỹ chỉ đơn giản là không biết làm thế nào để đối phó với Nga, vì Moscow không chịu khuất phục trước áp lực từ Washington. Chuyên gia này nhận định: “Theo quan điểm của ông Biden, các lệnh trừng phạt, kết hợp với mối đe dọa chiến tranh, lẽ ra đã buộc ông Putin phải lùi bước” nhưng nước Nga trước sức ép vẫn thể hiện sự sẵn sàng giữ vững lập trường. Ông Perla cho rằng, các trừng phạt của Mỹ khiến cho bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng không thể thực hiện được.
Phó chủ tịch Hội đồng LB Nga Konstantin Kosachev chỉ rõ rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, về bản chất là vô căn cứ và do đó về hình thức cũng vô nghĩa. Hành động của Washington là buộc Nga phải chấp nhận đề nghị cuộc gặp của hai vị tổng thống trong điều kiện có áp lực nặng nề nhất đối với Nga.
Trong trường hợp này, sự đồng ý đối với nó sẽ được coi là mong muốn của Nga để giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, do đó Mỹ sẽ cố ý đảm bảo cho mình một vị trí thống trị tại cuộc gặp và việc Nga từ chối gặp mặt sẽ là lý do thuận tiện cho bất kỳ biện pháp trừng phạt nào tiếp theo. Đây là một trò chơi trơ tráo, gây hấn với Nga và nguy hiểm cho toàn thế giới. Theo ông, Nga bắt buộc phải đáp trả các hạn chế và việc này cần được thực hiện kịp thời.
Phó chủ tịch Hội đồng LB Nga Konstantin Kosachev tuyên bố, cuộc gặp cần phải được xác định, nhưng có đủ thời gian cho việc này. Ông viện dẫn, trong hai trăm năm, nhân loại đã sử dụng châm ngôn "trả thù là một món ăn phải được phục vụ lạnh".
Ông Konstantin Kosachev tin rằng, câu châm ngôn này cũng có thể áp dụng được trong những trường hợp không phải để trả thù, mà là đáp trả xứng đáng với những hành động hung hăng của đối phương đối với một quốc gia tự tôn và có chủ quyền, nhận thức được trách nhiệm của mình đối với an ninh toàn cầu và hợp tác./.