Quan hệ Nhật-Trung lại nóng lên quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Đài Loan
Ngày 29/5, Khu 11 Cảnh sát biển Nhật Bản ở Naha, tỉnh Okinawa, cho biết 4 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển quần đảo Senkaku tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản, bị tàu cảnh sát biển Nhật xua đuổi.
Trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 29/5 đưa tin, theo Bộ chỉ huy Cảnh sát biển Nhật Bản, 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển của quần đảo Senkaku vào lúc 2 giờ 55 phút sáng 29/5, vào cách đảo Minami Kojjima khoảng 25 km về phía đông nam, định tiếp cận 3 tàu cá Nhật Bản đang hoạt động ở đây. Đến khoảng 8 giờ 40 phút sáng, thêm 2 tàu khác của Hải cảnh Trung Quốc cũng đi vào vùng biển này. Các tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã xua đuổi 4 chiếc tàu của Hải cảnh Trung Quốc rời khỏi vùng biển này lúc 10h45 sáng 29/5.
Lần này, tàu Hải cảnh Trung Quốc vào hoạt động trong vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong thời gian dài nhất gần 8 giờ, là ngày thứ 20 tàu công vụ của Trung Quốc đi vào vùng biển này kể từ đầu năm 2021, lần gần đây nhất là hôm thứ Ba (25/5). Bộ chỉ huy Cảnh sát biển Nhật Bản đã triển khai các tàu tuần tra xung quanh các tàu đánh cá để đảm bảo an toàn và cảnh báo xua đuổi các tàu Trung Quốc rời đi.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông Nhật Bản ngày 29/5 đưa tin các đảng chính trị Nhật Bản như Hội Duy tân Nhật Bản và Đảng Dân chủ Quốc dân, đã xác định sẽ cùng nhau đề xuất tu chính án đề nghị sửa đổi Luật Lực lượng Phòng vệ lên Quốc hội để ngăn chặn các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo Senkaku. Đây là lần đầu tiên hai đảng cùng nhau đệ trình tu chính án trước Quốc hội. Tu chính án Luật Lực lượng Phòng vệ yêu cầu Lực lượng Phòng vệ (quân đội Nhật Bản) phải cảnh giới và giám sát các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển của quần đảo Senkaku và thu thập thông tin tình báo; nếu tính mạng của các binh sĩ bị đe dọa, họ có thể sử dụng vũ khí bên trong phạm vi tự vệ.
Trong khi đó, trang tin Đa Chiều cùng ngày cũng đưa tin, truyền thông Nhật Bản ngày 29/5 tiết lộ, để ngăn chặn các hoạt động của tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), các đảng phái chính trị của Nhật Bản đang chuẩn bị đệ trình các sửa đổi pháp lý lên Quốc hội.
Đa Chiều dẫn tin của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 29/5, nhằm kiềm chế hoạt động của các tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Hội Duy tân Nhật Bản và Đảng Dân chủ Quốc dân đã xác định phương châm cùng nhau đệ trình các sửa đổi đối với Đạo luật Lực lượng Phòng vệ và các luật khác. Đây là lần đầu tiên hai bên cùng đệ trình một tu chính án tại Hạ viện.
Tu chính án Luật Lực lượng Phòng vệ được đệ trình lần này quy định rõ rằng Lực lượng Phòng vệ sẽ đảm nhận các hoạt động cảnh giới giám sát và thu thập thông tin tình báo của các tàu Hải cảnh Trung Quốc. Khi thực hiện các hoạt động cảnh giác và giám sát, nếu tính mạng của các thành viên bị đe dọa, cho phép các thành viên được sử dụng vũ khí mà không vượt quá phạm vi tự vệ.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ lập hiến đối lập, hiện giữ số ghế lớn nhất trong Hạ viện Nhật Bản, cũng sẽ đệ trình dự luật tăng cường lực lượng Cảnh sát biển lên Quốc hội với nội dung chính là chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm mở rộng trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển và thiết lập Luật Hành động chuẩn bị Cảnh bị, cho phép Lực lượng Phòng vệ (quân đội Nhật Bản) sẵn sàng ứng phó trước khi được Cảnh sát biển huy động.
Theo Đa Chiều ngày 29/5, về hoạt động của các tàu Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh “quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của chúng là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Các hoạt động tuần tra thực thi pháp luật của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Điếu Ngư là thực hiện quyền hạn vốn có của Trung Quốc và chính đáng, hợp pháp. Trung Quốc hy vọng Nhật Bản điều chỉnh tâm thái của mình, thể hiện sự tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và sự chân thành của nước này trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực”.
Ngoài ra Dự thảo "Sách trắng Quốc phòng năm 2021” của Nhật Bản được công bố gần đây đã lần đầu tiên đề cập đến tầm quan trọng của sự ổn định của Đài Loan, đồng thời tuyên bố rằng việc tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bản dự thảo đề cập đến hai vấn đề nhạy cảm đã làm dấy lên sự bất bình mạnh mẽ ở Bắc Kinh và phía quân đội Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để phản bác Nhật Bản.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 28/5, Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, bản Dự thảo "Sách trắng Quốc phòng năm 2021” của chính phủ Nhật Bản đã bị tiết lộ, lần đầu tiên nội dung "Sự ổn định của Đài Loan" được đưa vào.
Ngoài ra, dự thảo cũng lần đầu tiên tuyên bố các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã liên tiếp đi vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Dự thảo cho rằng "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc cho phép Cục Cảnh sát biển sử dụng vũ khí cũng có vấn đề về mặt luật pháp quốc tế.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27/5, ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), người phát ngôn của Bộ này, khi bày tỏ thái độ về "Sách trắng Quốc phòng" của chính phủ Nhật Bản nói về vấn đề Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư, đã nói: “Trong thời gian gần đây, hía Nhật Bản bất chấp các chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, cố tình phóng đại cái gọi là ‘mối đe dọa quân sự của Trung Quốc’ và vô cớ chỉ trích các hoạt động hàng hải hợp pháp chính đáng của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối và đã nghiêm khắc giao thiệp với phía Nhật”.
Cuối cùng, Đàm Khắc Phi cảnh báo: “Vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc, bên ngoài không được phép can thiệp. Về vấn đề này, điều mà phía Nhật Bản nên làm tốt nhất là ghi nhớ những thảm họa nghiêm trọng mà họ đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc cho người dân Trung Quốc, trong đó có đồng bào Đài Loan; đối xử đúng đắn và suy ngẫm sâu sắc về lịch sử xâm lược của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Chúng tôi kêu gọi phía Nhật Bản rút kinh nghiệm lịch sử, nhìn về tương lai, thận trọng trong lời nói và việc làm, biết tiến và lùi, biết phải làm gì trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cùng với Trung Quốc thúc đẩy quan hệ song phương phát triển theo quỹ đạo đúng đắn”.