Quan hệ thương mại Mỹ - Trung vào ngã rẽ nguy hiểm
Khi cuộc chiến với đại dịch COVID-19 chưa đi đến hồi kết, thế giới lại 'nóng lên' bởi một cuộc chiến trên mặt trận kinh tế, thương mại giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Từ những gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc ký hồi trung tuần tháng 1/2020 và những nỗ lực hàn gắn căng thẳng thương mại giữa 2 nước diễn ra suốt hơn 1 năm qua có thể bị “lung lay” kể từ đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Mới đây, Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ thông báo kế hoạch ngăn Tập đoàn Huawei của Trung Quốc sử dụng công nghệ và phần mềm Mỹ để thiết kế, sản xuất các sản phẩm bán dẫn ở nước ngoài. Kế này được cho là sẽ chặn đứng nỗ lực mà Huawei - hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu và điện thoại thông minh thứ 2 trên thế giới - lách lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Các nhà sản xuất chip sẽ phải xin giấy phép của Mỹ trước khi cung cấp thiết bị cho Huawei, đồng thời Huawei phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ nếu nhận và sử dụng các thiết kế bán dẫn sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ.
Nhà phân tích Dan Wang của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, điều này sẽ tác động rất lớn đến khả năng sản xuất chip của Huawei - ngành sản xuất chiếm tới 85 hoặc 90% tổng doanh thu của hãng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức có phản hồi, yêu cầu Mỹ ngừng “hành động vô lý” đối với Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc. Tờ Global Times dẫn lời một quan chức Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng nhằm vào các Tập đoàn Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing để trả đũa hạn chế của Mỹ đối với Huawei. Các biện pháp đáp trả có thể đưa 4 công ty trên của Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, cho phép Trung Quốc mở các cuộc điều tra nhằm vào họ và thậm chí đình chỉ thương vụ mua máy bay với Boeing.
Đúng như những kịch bản đã từng diễn ra hơn 1 năm về trước, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Vào năm 2018, người dân Mỹ đã được cảnh báo không sử dụng các điện thoại thông minh của Huawei, trong khi Chính phủ Mỹ cấm sử dụng các công nghệ của Huawei và ZTE trong hoạt động viễn thông. Quy định này từng làm rúng động thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia mà Huawei hoạt động.
Căng thẳng Mỹ - Trung và chất xúc tác mang tên COVID-19
Ngoài ra các biện pháp nhắm thẳng vào các công ty cụ thể, Trung Quốc có thể “ra đòn” trừng phạt vào Chính quyền Mỹ bằng cách bán hoặc dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ, kiểm soát các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ... Chỉ tính riêng Apple, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn của Apple, chiếm tới 16% doanh thu. Nếu “hứng” các đòn trừng phạt từ Trung Quốc sẽ làm nước Mỹ “gánh” tổn thất nặng nề.
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bủa vây, với Mỹ, Trung Quốc chính là quốc gia đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ này. Dịch bệnh đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và phong tỏa, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, cam kết mua 200 tỷ hàng hóa Mỹ của Trung Quốc theo thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước sẽ khó thực hiện.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 còn cho nước Mỹ một “bài học lớn” rằng nền kinh tế của Mỹ phụ thuộc quá nhiều và chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với các mặt hàng thiết yếu bao gồm cả thiết bị y tế và thuốc. Chỉ cần sản xuất và thương mại của Trung Quốc đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Trong thời đại kinh tế mở và bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, cả Trung Quốc và Mỹ đang chịu nhiều tác động. Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng đạt 14,7% trong tháng 4 so với 4,4% trong tháng 3, sản lượng công nghiệp nước này tồi tệ nhất trong hơn 1 thế kỷ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trong những tuần gần đây và dự báo sẽ còn tăng lên cấp độ mới, nhất là trong thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ đến gần và cơn đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Trần Hải
((theo Reuters, CNBC, Economictimes))
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quan-he-thuong-mai-my-trung-vao-nga-re-nguy-hiem-n174191.html