Quan hệ thương mại Trung Quốc - Trung Đông đang trong thời kỳ 'phục hưng'
Theo công ty tư vấn quản lý đa quốc gia Oliver Wyman, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Trung Đông đang hồi sinh khi địa chính trị, chuyển đổi năng lượng và những biến động trong chuỗi cung ứng tạo ra cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu lớn như nhà sản xuất ôtô và sản xuất pin.
Ben Simpfendorfer, đối tác của công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đang trở nên căng thẳng.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Quan hệ thương mại của Trung Quốc với Trung Đông đang trải qua thời kỳ phục hưng. Vài năm qua đã có nhiều thay đổi. Đây không còn là câu chuyện đơn giản giữa giao dịch dầu mỏ và hàng tiêu dùng, giờ đây mối quan hệ song phương đã rộng và sâu sắc hơn nhiều”.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc và Trung Đông đã giao dịch trị giá 507,2 tỷ USD hàng hóa vào năm 2022, gấp đôi mức năm 2017. Thương mại với Trung Đông tăng 27% vào năm 2022, vượt qua mức tăng trưởng với các quốc gia Đông Nam Á (15%), Liên minh Châu Âu (5,6%) và Hoa Kỳ (3,7%).
Tuy nhiên, ông Simpfendorfer cảnh báo căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ kéo dài và có thể sớm trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông nói thêm, xuất khẩu sẽ vẫn chịu áp lực trong vài năm tới và những lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc sẽ vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu đã đưa ra quan ngại về việc sản xuất quá mức xe điện, pin và tấm pin mặt trời, cùng nhiều thứ khác. Họ cảnh báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục bán sản lượng dư thừa ra thị trường nước ngoài, các công ty phương Tây có thể buộc phải giảm giá và cắt giảm việc làm.
Trong chuyến đi tới Trung Quốc hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã tìm cách chính thức hóa các cuộc thảo luận về tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc phản đối động thái này, nói rằng các nhà xuất khẩu địa phương đã “trả lời đầy đủ” những lo ngại đó.
Bất chấp căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, Trung Quốc sẽ vẫn là trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhờ quy mô lớn và khả năng đổi mới.
Ông nói thêm: “Không có sự thay thế đơn giản nào cho ngành sản xuất của Trung Quốc. Thật khó để thay thế quy mô, hiệu quả, tốc độ và sự đổi mới ngày càng tăng của Bắc Kinh cho dù đó là bộ lưu trữ pin hay xe điện mới, những thứ sẽ vẫn hấp dẫn đối với các quốc gia khác trên thế giới đang tìm cách nhập khẩu những sản phẩm này”.
Điệp Nguyễn (Theo SCMP)