Quan hệ thương mại Việt - Mỹ: Từ tăng trưởng kỷ lục đến sóng gió thuế quan

Quan hệ thương mại Việt - Mỹ từng ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế lên tới 46% từ ngày 9/4/2025 đang tạo ra thách thức lớn. Động thái này sẽ ảnh hưởng ra sao đến xuất khẩu Việt Nam và chiến lược thích ứng nào là cần thiết?

Thương mại Mỹ-Việt: Hành trình tăng trưởng thần kỳ

Khi Mỹ bất ngờ áp thuế lên tới 46% đối với một số hàng hóa Việt Nam từ ngày 9/4/2025, mối quan hệ thương mại từng được coi là "trụ cột tăng trưởng" đang đứng trước thách thức mới. Trong bối cảnh đó, việc nhìn lại hành trình hơn hai thập kỷ phát triển mạnh mẽ giữa hai quốc gia là cần thiết để hiểu rõ những gì đang bị đe dọa – và cũng để thấy rõ tiềm năng chưa khai phá hết của thị trường Hoa Kỳ.

Trong những năm qua, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Cụ thể, năm 1995, khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 năm sau đó, con số này đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Đến năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã lên tới 75,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 61,35 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sự thịnh vượng của ngành xuất khẩu Việt Nam.

Không chỉ tăng trưởng về giá trị, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ còn thể hiện sự ổn định và bền vững qua từng năm. Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thương mại giữa hai quốc gia vẫn tăng trưởng 19,8% so với năm 2019, đạt tổng kim ngạch 90,8 tỷ USD. Điều này chứng tỏ rằng, dù đối mặt với những khó khăn chung, mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ vẫn vững mạnh và có khả năng phục hồi nhanh chóng.

Kim ngạch xuất khẩu Việt - Mỹ (tỷ USD)

Kim ngạch xuất khẩu Việt - Mỹ (tỷ USD)

Đặc biệt, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, đạt 113 tỷ USD, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ thương mại giữa hai nước. Mặc dù phải đối mặt với đại dịch kéo dài và những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, con số này vẫn phản ánh sự gia tăng không ngừng về giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Những mặt hàng tỷ đô Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Trong suốt những năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu bao gồm dệt may, thủy sản, máy móc, điện tử và sản phẩm điện tử.

Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong những năm qua dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD/năm. Tính tới cuối tháng 11/2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 1,8 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, trong đó hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều tăng mạnh.

Bên cạnh thủy sản, dệt may cũng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Các sản phẩm dệt may Việt Nam ngày càng được ưa chuộng nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt và giá thành cạnh tranh. Những mặt hàng khác như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử cũng đã chứng tỏ sức mạnh trong việc phát triển và mở rộng thị trường.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 109,3 tỷ USD, với mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ước đạt 62,3 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ. Điều này không chỉ thể hiện ở sự gia tăng xuất khẩu mà còn ở việc Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.

Vào năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, việc xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD vẫn cho thấy sự bền vững trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trong năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch 119,6 tỷ USD. Đây là một thành công vượt bậc, củng cố vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với toàn thế giới.

Những nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng này chiếm 19,4% tổng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Tiếp theo là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, với kim ngạch đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4% tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ. Mặt hàng dệt may cũng duy trì vị trí quan trọng với kim ngạch đạt 16,1 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, trong năm 2024, có đến 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong số này, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ.

Trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt hơn 19,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng công nghệ cao như máy vi tính, điện thoại thông minh, cùng với các mặt hàng dệt may, giày dép và nông sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, kể từ ngày 9/4/2025, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp thuế chống bán phá giá lên tới 46% đối với một số nhóm hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng công nghệ cao và điện tử tiêu dùng. Đây là bước đi được cho là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước làn sóng hàng giá rẻ từ châu Á – trong đó Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn.

Động thái này lập tức khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng, đặc biệt các doanh nghiệp FDI có nhà máy tại Việt Nam. Nguy cơ sụt giảm đơn hàng, chi phí tăng, cùng với sự giám sát gắt gao hơn từ Mỹ khiến cho tương lai tăng trưởng của thương mại song phương ít nhiều bị thử thách.

Không ai phủ nhận vị thế ngày càng lớn của hàng Việt Nam tại thị trường Mỹ. Nhưng để duy trì mối quan hệ bền vững, Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu – bao gồm cả việc xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào một vài ngành hàng chủ lực.

Thời điểm khó khăn cũng là lúc để đánh giá lại chiến lược: Thay vì chỉ nhắm đến con số tăng trưởng, đã đến lúc Việt Nam nên tập trung vào tăng chất lượng, đa dạng hóa thị trường, và chủ động hơn trong các kịch bản phòng vệ thương mại toàn cầu.

Cẩm Vân

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/quan-he-thuong-mai-viet-my-tu-tang-truong-ky-luc-den-song-gio-thue-quan-139704.html