Quan hệ tốt đẹp với Nga là một lợi thế giúp Trung Quốc 'giành ngôi vị' nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới

Nhờ đội ngũ sản xuất xe điện hùng hậu, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2023.

Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu từ 4,9 - 5,2 triệu xe (tùy số liệu thống kê), cao hơn đáng kể so với con số 4,4 triệu xe của đối thủ Nhật Bản.

Kể từ năm 2017, Nhật Bản liên tục giữ “ngôi vương” trong lĩnh vực sản xuất ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, vào năm 2023, nước này đã bị Trung Quốc soán ngôi nhờ lượng xe xuất khẩu cạnh tranh, đặc biệt là xe điện.

"Vượt mặt" Nhật Bản

Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) công bố, số ô tô mà các hãng xe Nhật Bản đã xuất khẩu trong năm 2023 tăng đáng kể, cao hơn 16% so với năm trước, đạt 4,42 triệu xe, bao gồm cả xe cá nhân, xe tải và xe buýt. Nhưng khi so sánh với lượng ô tô do Trung Quốc xuất khẩu, con số này vẫn thấp hơn.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết sản lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trên thực tế đã đạt 4,91 triệu chiếc trong năm 2023 (tăng 57,9%), thậm chí đạt 5,22 triệu chiếc nếu căn cứ vào số liệu công bố đầu tháng Một của Cơ quan Hải quan nước này.

Các nhà quan sát nhận định việc Nhật Bản mất vị trí là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào tay Trung Quốc đã được dự đoán từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn nhận một cách hợp lý. Bởi trên thực tế, số lượng xe được sản xuất ở nước ngoài của các hãng Nhật Bản nhiều gấp đôi (17 triệu chiếc vào năm 2022) so với ở số lượng sản xuất trong nước. Ngược lại, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn còn rất ít nhà máy ở nước ngoài, các sản phẩm được tiêu thụ ra thế giới chủ yếu thông qua hoạt động xuất khẩu thay vì bán hàng tại chỗ.

Vì vậy, nếu xét về doanh số bán hàng, năm 2023 là năm thứ tư liên tiếp Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, thậm chí còn lập kỷ lục mới về tổng lượng xe bán ra, đạt 11,2 triệu xe, theo số liệu chính thức công bố ngày 30/1.

Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn là điều đáng lo ngại đối với cả Nhật Bản - nơi các nhà sản xuất trong nước đang tụt hậu về mảng xe điện- lẫn các nước phương Tây.

Đối thủ đáng gờm của bất cứ hãng xe nào

Tại cường quốc lớn nhất châu Á, xe điện đã trở thành một ngành công nghiệp thế mạnh. Các doanh nghiệp sản xuất xe điện Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối thủ quan trọng nhất của bất cứ hãng xe nào, kể cả nhà tiên phong xe điện Tesla.

Mặc dù vậy, có một số ý kiến chỉ trích cho rằng, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đã được hưởng lợi nhờ hơn một thập kỷ trợ cấp liên tục của chính phủ.

Trước sự lo ngại về khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, tháng 9/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố mở một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc và đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế cao nếu cuộc điều tra cho kết quả là có trợ cấp.

Mùa Thu năm 2023, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã không ngần ngại tuyên bố: “Thị trường thế giới ngày nay tràn ngập ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của Nhà nước”.

Ông Christopher Richter, chuyên gia phân tích của công ty môi giới CLSA, từng nhận xét rằng, sự gia tăng ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã “dẫn đến những căng thẳng về thương mại”, liên hệ tới căng thẳng giữa các nước phương Tây với Nhật Bản trong những năm 1980.

Cũng theo vị chuyên gia này, tình hình hiện tại của ngành ô tô Trung Quốc cho thấy một sự phát triển không bền vững trong trung hạn. Do vậy, các nhà sản xuất của Trung Quốc bị thôi thúc phải tăng cường công suất sản xuất và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, giống như các hãng xe Nhật Bản đã thực hiện trong những năm 1980.

Ví dụ trường hợp của BYD - tập đoàn sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc và cũng đã trở thành hãng xe điện số một thế giới, đứng trên cả Tesla của Mỹ.

Cuối tháng 12/2023, tập đoàn này đã công bố dự án xây dựng một nhà máy ở Hungary để nhắm vào thị trường châu Âu. Chưa hết, BYD còn xây dựng một nhà máy khác ở Brazil và sản phẩm đầu tiên sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2024. Thậm chí, tập đoàn này cho biết có thể sớm thiết lập một nhà máy thứ hai ở châu Âu.

Một số quốc gia đang nỗ lực thu hút đầu tư của Trung Quốc, trong đó có Pháp, nhưng có vẻ như Tây Ban Nha đang là cái tên được nhắm đến.

Nhờ mối quan hệ tốt đẹp với Nga

Cũng cần lưu ý rằng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc còn gặp thuận lợi nhờ một ưu thế vượt trội so với Nhật Bản hay các nước phương Tây, đó chính là mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Chính Nga và Mexico là hai thị trường nhập khẩu nhiều ô tô của Trung Quốc nhất trong năm 2023.

Xuất khẩu xe Trung Quốc sang Nga bùng nổ kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra và các nước phương Tây đồng loạt áp dụng các biện pháp trừng phát nghiêm ngặt với Nga, dẫn đến các nhà sản xuất ô tô của phương Tây và Nhật Bản phải từ bỏ thị trường quan trọng này.

Ngoài ra, trong tổng sản lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc, không phải tất cả các loại xe đều thuộc thương hiệu nội địa. Ví dụ, thương hiệu xe điện Tesla của Mỹ đang duy trì “siêu nhà máy” ở Thượng Hải, nơi các sản phẩm của tập đoàn này không chỉ được bán ở thị trường Trung Quốc mà còn để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xét về số liệu xuất khẩu, các xe này vẫn được tính cho Trung Quốc.

Nói tóm lại, Trung Quốc đang vươn lên trở thành nhà “thống trị” thị trường ô tô thế giới, đặc biệt là xe điện. Ô tô sản xuất tại Trung Quốc sẽ cho giá thành rẻ hơn, trong khi mẫu mã phong phú hơn, từ đó dễ dàng thu hút sự quan tâm của khách hàng.

(theo La Tribune)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-tot-dep-voi-nga-la-mot-loi-the-giup-trung-quoc-gianh-ngoi-vi-nha-xuat-khau-o-to-lon-nhat-the-gioi-259950.html