Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ trên cơ sở chân thành, chia sẻ, tin cậy, hiệu quả

Sáng 8/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2022 với chủ đề Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đồng tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2022.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ diễn ra tại Hà Nội dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự có Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại quốc tế Hoa Kỳ Marisa Lago, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, đại diện cấp cao nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cũng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2021, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đạt được những kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực và đều cùng nhau hướng tới những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới.

Gần 3 thập kỷ qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng từ mốc 450 triệu USD năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ, lên mốc hơn 110 tỷ USD trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hướng tới tương lai, cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và vai trò này dự báo còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đối và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff cho biết: “Tôi tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị hôm nay sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới thông qua kinh tế số và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Nhận xét về thành công của Hội nghị, Chủ tịch AmCham John Rockhold cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị này. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng sự tham gia hợp tác với Chính phủ và tin rằng đối thoại mạnh mẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp chúng ta có những chính sách công tối ưu hơn”.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, qua 5 năm được tổ chức thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ trở thành sự kiện được mong đợi nhất của doanh nghiệp hai nước. Bằng sự năng động, sáng tạo, đổi mới để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ động kết nối và hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển, và đây chính là một trong những nhân tố chính định hình quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Những chủ đề chính của hội nghị lần này cũng năm trong trọng tâm chương trình hoạt động của VCCI trong thời gian tới.

Kinh tế Xanh là một phần trong chương trình của VCCI nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Tháng 11 năm ngoái, VCCI và USAID đã ký Bản ghi nhớ xây dựng Chỉ số Xanh nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cũng được VCCI xác định là một trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới và là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong hợp tác kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ 2022.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, toàn diện, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột và động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của AmCham, theo đó, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn đối với thị trường Việt Nam.

Về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, 2 năm vừa qua, cả thế giới và Việt Nam đều phải gồng mình chống chọi; đại dịch đã làm chúng ta cũng bị động, bất ngờ, phải trả giá, mất mát, thiệt hại không mong muốn. Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, phải có sự đoàn kết quốc tế để chống dịch và Việt Nam đã làm tốt việc này. Việt Nam mong muốn được cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và cung cấp vaccine.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đồng hành, chia sẻ với Việt Nam trong phòng, chống dịch với Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".

Thủ tướng nêu rõ, việc phòng, chống dịch tác động toàn dân, do đó phải có cách tiếp cân toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch, mọi chính sách phải hướng đến người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Qua 2 năm, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, rút ra công thức phòng, chống dịch phù hợp. Kể từ tháng 10/2021, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã thay đổi tư duy và biện pháp phòng, chống dịch, nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhờ đó, dịch bệnh đã kiểm soát và kinh tế đã phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất, trong khó khăn như vậy, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; chủ động hội nhập quốc tế tích cực; được bạn bè quốc tế tin cậy, các doanh nghiệp, nhân dân tin cậy, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề quan trọng cho phát triển. Đến nay, Việt Nam tự tin kiểm soát được tình hình để tiến hành mở cửa nền kinh tế dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế.

Kết thúc năm 2021, Việt Nam đạt nhiều thành quả trên các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính ổn định; lạm phát trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm như về xuất khẩu, lương thực, thực phẩm, thu chi ngân sách, điện năng, thị trường lao động đều đạt kết quả tích cực, làm tiền đề cho năm 2022. Quan điểm của Việt Nam là không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp để doanh nghiệp hồi phục và phát triển. Việt Nam dành nguồn lực cho đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, kinh tế-xã hội...

Về biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tác động do biến đổi khí hậu. Đây cũng là vấn đề mang tính toàn cầu, phải có cách tiếp cận toàn cầu, do đó phải đoàn kết quốc tế, công bằng, công lý; trong nước phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một đất nước còn khó khăn, trải qua thời gian chiến tranh dài, do đó, Việt Nam rất trân trọng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và sạch, đào tạo nguồn nhân lực xanh, quản trị xanh... Đây là những vấn đề rất mới, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi tham dự Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về vấn đề này.

Về chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng, đây là một vấn đề tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay. Qua đại dịch Covid-19 thì thấy rõ vai trò công nghệ là hết sức quan trọng, nhất là trong kỷ nguyên số. Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số; tập trung huy động nguồn nhân lực về tài chính, công nghệ, quản trị. Việt Nam chuyển đổi số cho toàn bộ nền kinh tế, quản lý, phát triển doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai.

Thủ tướng tin tưởng những vấn đề này cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ. Chúng ta có quan hệ tốt, nền tảng tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trên cơ sở chân thành, tin cậy, hiệu quả, "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ". Thủ tướng cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp xu thế của thế giới. Càng khó khăn thì chúng ta càng phải đoàn kết, đặt lợi ích chính đáng của nhau lên trên hết, trước hết, hóa giải những khó khăn, thách thức. Thủ tướng tin tưởng hội nghị này sẽ thành công tốt đẹp, quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần làm tiền đề thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, ngày càng thực chất và hiệu quả.

Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/quan-he-viet-nam-hoa-ky-se-phat-trien-manh-me-tren-co-so-chan-thanh-chia-se-tin-cay-hieu-qua--688373/