Quan hệ xuyên Đại Tây Dương 'đang ở mức thấp đáng kinh ngạc'

Sau khi Mỹ đe dọa áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia Dự án 'Dòng chảy phương Bắc 2' (Nord Stream 2), châu Âu đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng động thái của Washington là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương “đang ở mức thấp đáng kinh ngạc”.

Ngày 18-7, Tân Hoa xã đưa tin, trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt nhằm vào các công ty và lợi ích của châu Âu. “Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng xu hướng này trong các trường hợp của Iran, Cuba, Tòa án Hình sự quốc tế và gần đây nhất là Dự án Nord Stream 2”, tuyên bố nêu rõ. Nhấn mạnh “các chính sách của châu Âu phải được quyết định ở châu Âu chứ không phải do một bên thứ ba”, ông Josep Borrell cho biết EU phản đối việc bên thứ ba sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty châu Âu kinh doanh hợp pháp. Ông Josep Borrell khẳng định EU luôn sẵn sàng đối thoại nhưng “điều này không thể diễn ra trước mối đe dọa trừng phạt”.

 Công trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ở miền Đông Bắc nước Đức hồi tháng 3-2019. Ảnh: AFP

Công trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ở miền Đông Bắc nước Đức hồi tháng 3-2019. Ảnh: AFP

Cùng ngày, theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức, ông Oliver Hermes đánh giá việc Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương “đang ở mức thấp đáng kinh ngạc”. Theo ông Oliver Hermes, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình thì châu Âu cũng cần nhanh chóng có các biện pháp cứng rắn đáp trả động thái này của Mỹ. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ những đe dọa áp đặt trừng phạt của Mỹ, đồng thời khẳng định “chính sách năng lượng châu Âu được thực hiện ở châu Âu”. Theo Ngoại trưởng Heiko Maas, việc Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty châu Âu tham gia Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là “xem nhẹ quyền và chủ quyền của châu Âu”.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 15-7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cảnh báo mới về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng dự án này không mang tính thương mại và cáo buộc đây chỉ là “công cụ chính trị” để Moscow tận dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 9,5 tỷ euro (10,75 tỷ USD), khi hoàn tất có thể tăng gấp đôi mức vận chuyển lượng khí đốt từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, qua lòng biển Baltic. Các tuyến đường ống dẫn khí đốt của dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019 nhưng sau đó lâm vào cảnh ngưng trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng dự án.

Trong một phản ứng mới nhất, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, lời đe dọa của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là nhằm tạo sức ép với hoạt động thương mại của châu Âu, đồng thời cũng là hành động cạnh tranh không công bằng. “Hành động trên sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực và là sức ép quá đáng với hoạt động thương mại của châu Âu mà các công ty của Nga có tham gia cũng như tiếp tục cuộc cạnh tranh không công bằng nhằm buộc châu Âu mua khí đốt đắt hơn với những điều khoản ít có lợi hơn”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quan-he-xuyen-dai-tay-duong-dang-o-muc-thap-dang-kinh-ngac-627368