Quản hộ kinh doanh bằng luật để giảm thất thu thuế
Đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý của luật còn giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của khu vực này cũng như các bên có liên quan
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi với đề xuất đưa hộ kinh doanh vào quy định nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, diễn ra tháng trước. Dự kiến, dự luật sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2020. Từ nay đến đó, các ý kiến đóng góp xung quanh câu chuyện quản lý hộ kinh doanh sẽ tiếp tục được tiếp thu và chỉnh lý.
Nâng cấp vị thế hộ cá thể
Cơ quan soạn thảo cho biết nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo đó, việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Đặc biệt, không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Hơn nữa, lần đầu tiên đưa hộ kinh doanh vào diện quản lý của luật còn giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của khu vực này cũng như các bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Đại diện cho cộng đồng DN, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng "luật hóa" khu vực kinh tế gia đình sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, được quy định rõ ràng về vị trí pháp lý, được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép, được bảo hộ theo quy định của pháp luật, gỡ bỏ những hạn chế về phạm vi và quy mô hoạt động cũng như được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và những chính sách có liên quan. Chưa kể, hoạt động quản trị của hộ kinh doanh được tăng cường, từ đó "nâng cấp" vị thế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc trước nay không đưa hộ kinh doanh vào Luật DN đã để lại một hậu quả pháp lý. Cụ thể, khu vực hộ kinh doanh đóng góp hơn 30% GDP của đất nước nhưng chỉ được chế định trong một nghị định do Chính phủ ban hành. Nghị định này quy định hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt hạn chế về quyền kinh doanh. Điều đó trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành. "Luật hóa hộ kinh doanh có lợi cho họ cũng như cho công tác quản lý. Chúng ta có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký, xét về bản chất kinh tế thì đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế, là DN theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường" - ông Lộc nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng khẳng định xét về bản chất, hộ là một loại hình kinh doanh. Do đó, quyền và nghĩa vụ của hộ này cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. "Đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật không phải là điều gì quá mới mẻ. Khoản 2 điều 212 Luật DN hiện hành đã giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. Dựa trên điều khoản này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN, trong đó có 1 chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh. Như vậy, về lâu dài, có thể xem xét để xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật DN" - ông Hiếu nêu.
Đóng góp rất hạn chế
Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh hoạt động, đóng góp đến 32% GDP nhưng chỉ mang về cho ngân sách khoảng 2%-3% trên tổng số thuế thu được. Tại TP HCM, khoảng 250.000 hộ kinh doanh đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng tỉ lệ đóng góp cho nguồn thu của TP cũng rất hạn chế.
Cho rằng dự thảo đưa hộ kinh doanh vào Luật DN sửa đổi là phù hợp, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế, phân tích về nguyên tắc quản lý nhà nước, cá nhân hay tổ chức đều phải được quản lý theo luật và quan trọng là cơ quan soạn thảo phải làm rõ mục tiêu đưa vào luật để làm gì.
"Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật DN (sửa đổi) để quản lý, thống kê thì rất cần vì trước nay hoạt động của hộ kinh doanh nằm ngoài danh sách thống kê. Thực tế đến nay, hộ kinh doanh chiếm áp đảo về số lượng nhưng chưa có thống kê chính thức nào về hiệu quả hoạt động của các hộ cũng như tính hiệu quả của kinh tế hộ gia đình trong giai đoạn mới. Vì vậy, với việc được điều chỉnh bởi Luật DN sửa đổi cộng với thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế hiện hành, bức tranh về hộ kinh doanh sẽ rõ ràng hơn, tình trạng thất thoát nguồn thu thuế từ các hộ kinh doanh sẽ được cải thiện" - ông Nghĩa nhận định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đánh giá việc luật hóa hộ kinh doanh có cái lợi là họ sẽ được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ hiện nay. Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ và các văn bản pháp luật liên quan, các chương trình hỗ trợ DN xưa nay chỉ dành cho nhóm hoạt động theo Luật DN. Bằng việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong luật, họ sẽ được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh… "Với một số lo ngại về những tác động tiêu cực mà sự thay đổi này mang đến, theo tôi, sẽ không quá lớn. Chế định về hộ kinh doanh ở cấp nghị định đã được thực hiện nhiều năm, việc chuyển đổi lên luật cũng sẽ không gây ra nhiều tác động. Đặc biệt, vẫn giữ nguyên hệ thống nộp thuế đối với hộ kinh doanh như hiện nay, tức hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, thì không phải nộp thuế và vẫn được miễn lệ phí môn bài" - ông Tuấn phân tích.
Có tình trạng "bắt tay, thương lượng"
Phân tích kỹ hơn về kỳ vọng việc quản lý hộ kinh doanh bằng luật sẽ giúp giảm thất thu thuế, ông Nguyễn Đức Nghĩa nêu rõ thực trạng cơ quan thuế muốn áp mức thuế cho hộ kinh doanh phải thông qua hội đồng tư vấn thuế xã - phường gồm chủ tịch UBND xã - phường, trưởng công an, đại diện MTTQ, đại diện các hộ kinh doanh để tham gia đóng góp ý kiến về mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề. Tuy nhiên, hầu như không xã - phường nào thực hiện đúng nên đã xảy ra hiện tượng "thương lượng", "bắt tay" giữa cán bộ thuế với chủ hộ kinh doanh để có mức thuế khoán thấp. Do đó, nếu quản lý bài bản hơn thông qua luật, tình trạng này có thể được cải thiện.