Quan Hóa tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào Mông
Huyện Quan Hóa có 2 bản đồng bào Mông tập trung ở 2 xã: Phú Sơn và Trung Thành với 90 hộ, 512 nhân khẩu. Nhằm đưa nhanh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhiều năm nay, ông Mùa A Lo - người có uy tín bản Suối Tôn, xã Phú Sơn được bà con dân bản xem là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân. Với uy tín của mình và nhiều cách làm riêng, sáng tạo trong công tác dân vận, ông đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông nơi đây. Được thành lập năm 1998, Suối Tôn là bản có nhiều hộ người Mông sinh sống nhất huyện Quan Hóa, với 82 hộ, trên 473 nhân khẩu và cũng là bản duy nhất có đồng bào Mông di cư từ các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La sang. Là địa bàn hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế, nên trình độ dân trí còn thấp, kéo theo kinh tế chậm phát triển, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trước tình hình đó, ông Mùa A Lo cùng với ban quản lý bản đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhất là các chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn người dân phát triển kinh tế... Từ đó, người dân không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, không di cư tự do, giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, xóa bỏ các hủ tục.
Ông Lo phấn khởi: “Hiện tất cả đám cưới, đám ma trong bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh. Người mất được bỏ vào quan tài để chôn cất, không bón cơm, đám tang không để quá 2 ngày, không mổ trâu, bò tốn kém tiền của; đám cưới không ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày. Người ốm được đưa đi bệnh viện; các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: thi nấu các món ẩm thực của dân tộc Mông, thi trang phục, kéo co, đánh yếm, chọi cù, múa khèn... được tổ chức vào các dịp lễ, tết...”.
Thực hiện Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Quan Hóa đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các ngành, tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đặc thù về nhà ở, giáo dục, y tế, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa... trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, huyện cũng quan tâm bổ sung, kiện toàn đội ngũ cốt cán trong tôn giáo ở 2 bản: Suối Tôn, xã Phú Sơn và Buốc Hiềng, xã Trung Thành (1 bí thư chi bộ, kiêm trưởng bản; 2 trưởng ban công tác mặt trận; 2 chi hội nông dân, 2 chi hội phụ nữ và 1 bí thư chi đoàn thanh niên). Qua đó, đã phát huy vai trò cốt cán trong công tác tuyên truyền, vận động anh em, gia đình, dòng họ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kết quả, sau hơn 2 năm thực hiện Kết luận số 684, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của huyện, kết cấu hạ tầng và việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo, việc thực hiện các chính sách xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông từng bước được nâng cao, đời sống Nhân dân 2 bản: Suối Tôn và Buốc Hiềng đã được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước; số hộ nghèo và cận nghèo giảm hằng năm...
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận số 684, huyện Quan Hóa tiếp tục vận động đồng bào tham gia thực hiện các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa. Tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật... để đồng bào dân tộc Mông phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh cải cách hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành và triển khai thực hiện tốt các quy chế, quy định của địa phương, hương ước, quy ước ở bản. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...