Quận Hoàng Mai trong vị thế mới, tâm thế mới, thử thách mới
Là quận đông dân nhất Thủ đô Hà Nội, sau 2 thập kỷ thành lập, Hoàng Mai đã có những thành công nhất định. Bởi nói đến Hoàng Mai là nói đến những khu chung cư cao cấp như Gamuda, Helios (75 Tam Trinh), Gelexea Riverside 885 Tam Trinh, Imperia Sky Garden (423 Minh Khai)…
Quận không dự án vốn ngoài ngân sách nào được hoàn thành
Là một trong những quận có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất của Thủ đô, quận Hoàng Mai đang phải đối diện với những bất cập lớn trong công tác quản lý đô thị. Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) là khu đô thị mới đầu tiên ở Hà Nội, với quy mô 200ha, năm 2009, được Bộ Xây dựng công nhận là Khu đô thị kiểu mẫu (cùng với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP Hồ Chí Minh) thì năm 2022, nhiều phụ huynh ở khu đô thị Linh Đàm phải bốc thăm cho con vào học mẫu giáo.
Ngoài ra, 4.000m2 ngay tại Khu dân cư Đền Lừ III (phường Hoàng Văn Thụ), vị trí “đất vàng” ngay tại trung tâm quận Hoàng Mai lại để xảy ra lấn chiếm nhiều năm, xây dựng kiên cố trái phép, làm bãi xe. Quận Hoàng Mai là 1 số ít các quận, huyện của Hà Nội, không có bệnh viện đa khoa cấp quận huyện.
Hơn 20 năm qua, không có một dự án vốn ngoài ngân sách nào được hoàn thành, kể cả khu đô thị vốn đầu tư nước ngoài như Gamuda. Quận Hoàng Mai là địa phương tỷ lệ người dân được cấp sổ đỏ trên tổng số thửa đất trên địa bàn, thuộc lại thấp nhất trong các quận nội thành.
Tại 14/14 phường, đều hiện hữu “bài toán quá tải” của bộ máy chính quyền, nhất là với 25% diện tích đất của quận (khoảng 1.000ha) ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bàn 4 phường Trần Phú, Lĩnh Nam, Thanh Trì và Yên Sở. Tình trạng thiếu bãi đỗ xe ô tô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Định Công, Thịnh Liệt… đã và đang làm cho bộ mặt đô thị quận có nhiều điểm méo mó.
Trong đó, khó khăn nhất của quận Hoàng Mai chính là chất lượng cán bộ, vốn được hình thành từ 5 nguồn khác nhau, năng lực, trình độ và độ năng nổ, nhiệt tình với công việc không đồng đều, tạo sức ỳ. Đây chính là “điểm nghẽn”, khiến cho nhiều năm qua phát triển kinh tế - xã hội của quận chững lại, hạ tầng kỹ thuật khung của quận không được cải thiện, có lúc, có nơi lòng tin của người dân bị giảm sút. Chỉ số cải cách hành chính của quận Hoàng Mai năm 2022 đứng thứ 21/30 của Hà Nội, điều ít người nghĩ đến.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
“Phân tích về những nguyên nhân, lý do để phát sinh nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý đô thị thì khách quan có, chủ quan có, nhưng phải thừa nhận, nếu vẫn cứ tư duy cũ, cách làm sẽ khiến quận Hoàng Mai khó lòng phát triển, đuổi kịp các quận khác, thậm chí còn thua một số huyện của Hà Nội” - Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đã thẳng thắn chia sẻ với cán bộ chủ chốt quận Hoàng Mai trong buổi đối thoại, giải quyết các tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ do Thường trực HĐND quận tổ chức vào tháng 8/2024.
Do đó, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đã chọn 3 điểm đột phá, đó là quản lý trật tự xây dựng; quản lý đất đai; giải phóng mặt bằng và ban hành 3 Chỉ thị về công tác này, triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ, phổ biến tận các tổ dân phố. Quá trình triển khai, các cấp ủy đảng, chính quyền lấy tinh thần Chỉ thị 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của TP Hà Nội” để đánh giá, xử lý trách nhiệm cá nhân.
Người đứng đầu cấp ủy quận, phường phải đích thân làm Trưởng ban Chỉ đạo GPMB đơn vị, chế độ báo cáo 2 tuần lần; Chủ tịch phường phải báo cáo Chủ tịch UBND quận 1 tuần lần; cán bộ làm không tròn trách nhiệm, nhẹ thì điều chuyển, nặng thì cách chức, thực tế đã có cán bộ quận Hoàng Mai bị điều chuyển, cách chức.
Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Đức Dũng khẳng định: “Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai xác định, đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt là cách làm duy nhất, nhanh nhất giúp quận Hoàng Mai giải quyết được nhiều việc khó khăn, việc tồn đọng”.
Ghi nhận cho thấy, các phiên chất vấn, đối thoại gần đây do HĐND quận Hoàng Mai tổ chức đã nóng hơn, sát hơn, sâu hơn với đời sống dân sinh của địa phương.
“Để thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị quận, chúng tôi cần nguồn vốn khoản 1 tỷ USD trong giai đoạn 2025 - 2030, những bài học kinh nghiệm 2024 sẽ được Ban Chấp hành Đảng bộ, phân tích, mổ xẻ để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận sắp tới” - Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh nói.
Năm 2024, chất lượng hoạt động của HĐND quận Hoàng Mai và hiệu quả điều hành của UBND quận Hoàng Mai đã tăng lên rõ rệt, đó là điều mà các cử tri Hoàng Mai ghi nhận.
“Có những vụ giải phóng mặt bằng, 15 năm nay không giải quyết được thì nay, chỉ mất đúng một buổi là chúng tôi tiến hành xong, đúng luật và đầy sức thuyết phục” - Phó Chủ tịch UBND quận Đàm Tiến Thắng vui vẻ chia sẻ.
Đặc biệt, sau cơn bão Yagi lịch sử, nằm trong tâm bão, nhưng nhân dân Hoàng Mai đã tự nguyện đóng góp và nộp về Kho bạc Thành phố trên 15 tỷ đồng, gấp 3 lần các đợt quyên góp trước đây, điều chưa từng thấy trong suốt 21 năm thành lập quận.
Khi người dân tin, chính quyền vận động là người dân ủng hộ, hoàn toàn tự nguyện, ít ai nghĩ các phường như Mai Động, Hoàng Liệt đã quyên góp hơn 1 tỷ đồng trong vòng 2 tuần.
Hướng tới tương lai
Để quận Hoàng Mai phát triển đúng tiềm năng vốn có, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân quận còn rất nhiều việc phải làm, nhiều thử thách cần vượt qua. Sau khi, cơ bản xóa sức ỳ, quận Hoàng Mai còn phải khơi thông "điểm nghẽn" thu hút đầu tư theo tinh thần Luật Thủ đô 2024 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Năm 2024, niềm tin và độ hài lòng của người dân giành cho bộ máy chính quyền các cấp quận Hoàng Mai cải thiện đáng kể, đó là niềm vui lớn nhất của Quận ủy, HĐND, UBND quận. Chúng tôi lại thấy trách nhiệm của mình trước Nhân dân trong giai đoạn tiếp theo… ” - Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-hoang-mai-trong-vi-the-moi-tam-the-moi-thu-thach-moi.html