Quán hủ tiếu trong phim 'Mai' đông đột biến, chủ quán tiết lộ điều bất ngờ
Chỉ xuất hiện trong phân đoạn nhỏ của bộ phim điện ảnh 'Mai', quán hủ tiếu mì Giai Ký Mì Gia (quận 5, TP.HCM) đón lượng khách đông đột biến trong vài ngày qua.
Những ngày qua, từ cơn sốt của phim "Mai", quán hủ tiếu mì nằm ở đầu đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM) trở thành địa điểm được thực khách "săn lùng" thưởng thức. Quán ăn này là nơi hai nhân vật Mai và Sâu trong phim của Trấn Thành chọn đi ăn đêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, quán mở bán lúc 17h nhưng từ trước đó 1 tiếng, rất đông thực khách đã tới chờ đợi, háo hức thưởng thức tô mì mà nhân vật Mai yêu thích. Đa phần thực khách là những khán giả vừa xem phim.
“Tụi mình xem phim và thấy quán ăn này trong một phân đoạn nhỏ. Nay có thời gian rảnh nên hai chị em rủ nhau ra quán trải nghiệm xem hương vị ra sao, cảm giác như thế nào”, chị Lê Ngọc (33 tuổi, Bến Tre) cùng em gái Ngọc Minh lần đầu đến quán thưởng thức chia sẻ.
Chủ tiệm hủ tiếu mì này là anh Huỳnh Gia Cường (32 tuổi, TP.HCM). Anh Cường cho biết gia đình đã có truyền thống buôn bán hơn 40 năm. Cha anh Cường là người gốc Hoa, ông tự tìm tòi, học hỏi công thức nấu rồi mang món hủ tiếu phong cách người Hoa này về TP.HCM mở quán. Sau này khi cha mất, anh Cường thay cha tiếp tục nối nghiệp quán ăn gia truyền.
Theo anh Cường chia sẻ, kể từ khi quán xuất hiện trong phim "Mai", lượng khách đến quán tăng đáng kể, được coi là đột biến trong suốt 40 năm buôn bán. Những ngày đầu sau khi phim công chiếu, quán phải "phá lệ", xin ngừng nhận khách từ 20h tối vì nước dùng chưa kịp sôi. Trong khi thông thường, quán bán tới 3h sáng hôm sau.
“Quán mình bán xuyên đêm và xuyên Tết nên khi phim bắt đầu chiếu vào ngày mùng 1 thì sang ngày mùng 2, mùng 3, quán đã quá tải. Mình cũng rất bất ngờ trước lượng khách đổ tới.
Sau đó quán nghỉ Tết vài ngày và mở lại vào ngày 21/2. May mắn là khách vẫn đến ủng hộ rất đông. Thay vì bán từ 16h chiều hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau như trước đây thì thời điểm hiện tại, tầm 22h, quán đã hết sạch nguyên liệu”, anh Cường tâm sự. "Nói thật có nhiều khách tới mà hết hàng nên mình phải cáo lỗi", chủ quán nói thêm.
Anh Cường cũng tiết lộ, nhiều thực khách khá bất ngờ khi biết quán hủ tiếu mì bình dân của gia đình anh lại là địa điểm ăn đêm quen thuộc của hàng loạt người nổi tiếng như nghệ sĩ Trấn Thành, diễn viên Anh Đức, diễn viên Hoàng Phi…
“Trấn Thành là khách quen của quán mình, mỗi khi diễn khuya về bạn ấy hay ghé quán dùng món. Giữa năm 2023 thì đoàn phim có liên hệ xin quay một đoạn nhỏ tại quán, mình vui vẻ đồng ý.
Mình nghĩ lí do chính quán xuất hiện trong phim là vì quán mình là địa điểm hiếm hoi tại TP.HCM bán xuyên đêm, giá cả cũng bình dân nên hợp để đưa vào tình huống trong phim”, anh Cường chia sẻ.
Đa phần khách đến quán đều gọi thử món bún gạo khô thập cẩm tương tự như hai nhân vật chính trong phim đã ăn. Món này gồm các nguyên liệu đa dạng như: xá xíu, lưỡi, cật, bò viên, gan và bao tử. Đặc biệt xá xíu là do nhà làm.
Khách sẽ được ăn kèm với món chấm gồm sa tế, giấm và tương trộn đều với nhau, món chấm này cho vị mặn mặn, có chút vị lạ miệng, chan vào sợi bún khô cực thấm và bắt miệng.
Dù nằm tại trung tâm thành phố nhưng mỗi phần ăn tại quán chỉ dao động từ 45.000-55.000 đồng. Các nguyên liệu như nội tạng đều được quán sơ chế kĩ càng nên không hề tạo mùi hôi khi thưởng thức.
Ngoài món bún gạo khô, quán còn có đa dạng món như: mì Phúc Kiến, mì vắt, mì mềm, hoành thánh tươi, hủ tiếu dai, hủ tiếu mềm, hủ tiếu Nam Vang… Trong đó hủ tiếu mì khô thập cẩm và hoành thánh tươi là hai món chính. Phần hoành thánh khi khách gọi thì mới bắt đầu gói và luộc chín.
Quán ăn này tận dụng một khoảng không gian bên trong nhà của gia đình chủ quán và phần vỉa hè phía trước rộng tầm 3m2. Do đó, quán khá hạn chế về không gian cho khách ngồi lại.
Cũng như bao quán hủ tiếu mì bình dân khác, quán trưng bày một chiếc xe nhôm, phía trước xe được trang trí bằng tranh kiếng màu với hai chữ Giai Ký nổi bật, mang đậm phong cách người Hoa. Bên trong chiếc xe là quầy nguyên liệu đa dạng, sạch sẽ, được bày trí gọn gàng, ngăn nắp cùng nồi nước dùng được hâm nóng liên tục.
Bên trong gian nhà chỉ chứa tầm 3-4 chiếc bàn với khoảng 10-12 khách, bên ngoài thì 4-5 chiếc bàn với tầm 15-20 khách. Không gian hạn chế nên vào giờ cao điểm, thực khách phải đợi tới 15-20 phút mới đến lượt. Nhiều thực khách phải chực chờ để có ghế ngồi ngay khi người trước rời đi.
“Từ ngày nhiều khách tìm tới, ngày nào mình cũng dậy sớm từ 4 giờ sáng để đi chợ, mua và chuẩn bị các nguyên liệu chỉn chu để kịp sơ chế sớm nhất.
Mình là người đứng bán chính, phụ giúp mình còn có mẹ, vợ và chị gái. Mình tận dụng người thân trong nhà, không thuê thêm nhân viên bên ngoài nên theo tiêu chí có bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, không tăng lượng nguyên liệu quá nhiều để tránh đuối sức”, anh Cường tâm sự.
Hơn nửa tháng qua, mỗi ngày quán bán hơn 100 tô trong vài tiếng, thay vì lai rai suốt đêm như trước.
“Tôi là khách quen ở đây, thích ăn vì vị nước dùng đậm đà, đặc trưng của người Hoa. Các nguyên liệu cũng tươi, không hề có mùi, lại đa dạng lựa chọn”, ông Tuấn (55 tuổi, TP.HCM), khách quen của quán chia sẻ.
Một số thực khách phải trở lại 2,3 lần mới có thể thưởng thức món bún gạo khô thập cẩm tương tự trong phim "Mai". Nhìn chung thực khách khá hài lòng với hương vị món ăn. Tuy nhiên, họ cho biết, thời gian chờ đợi quá lâu nên phải đợi khi quán "qua cơn sốt" mới quay trở lại.