Quán karaoke ở TP.HCM lạc quan

21h, một nhóm khách tấp xe vào quán karaoke trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp). Nhân viên nơi này thông báo đã hết phòng, ít nhất 30 phút nữa mới có thể nhận thêm.

"Đây là lần hiếm hoi quán chúng tôi kín phòng từ sau khi mở cửa trở lại. Sau 20h, quán đã không thể nhận thêm khách. Vài tháng nay, dù có khách, nhưng các chi nhánh chỉ hoạt động cầm chừng", chị Minh Hà, quản lý quán karaoke, trả lời Zing trong khi tất bật điều phối nhân viên ở sảnh.

Trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, những con đường tập trung nhiều quán karaoke ở TP.HCM như Lê Đức Thọ, đường số 4 (quận Gò Vấp) hay Sư Vạn Hạnh (quận 10) đều khá tấp nập.

Nhiều chủ quán vui mừng khi lượng khách đặt phòng hát tăng cao. Sau hai năm đuối sức vì Covid-19, lần đầu tiên họ nhìn thấy tín hiệu lạc quan để có thể hy vọng ngành nghề sẽ sớm sôi động như giai đoạn trước dịch.

 Các quán karaoke trên đường số 4 (quận Gò Vấp) đông khách trong ngày cuối tuần.

Các quán karaoke trên đường số 4 (quận Gò Vấp) đông khách trong ngày cuối tuần.

Nhiều khách đặt trước dịp lễ

Chị Minh Hà cho biết trong 3 ngày nghỉ lễ, quán chị đều có khách đặt trước, chủ yếu là khách quen đi theo đoàn gia đình hoặc nhóm bạn bè.

Từ 19h trở đi, quán luôn trong tình trạng đông đúc, có nhiều thời điểm kín phòng. "Những cuối tuần trước, một vài hôm khách cũng đông nhưng hiếm lắm. Từ sau khi mở cửa trở lại hồi đầu năm, thì đây là thời điểm quán đông khách nhất".

Hầu hết nhân viên từ lễ tân, phục vụ cho đến nhà bếp, bảo vệ đều phải làm việc hết công suất. "Những lúc khách vào liên tục, phục vụ không kịp là các vị trí phải đỡ việc cho nhau. Ngành dịch vụ mà chậm tay chậm chân để khách chờ là không được", chị Hà cho hay.

Sau 3 tháng hoạt động trở lại, quán karaoke này không còn gặp cảnh thiếu nhân viên trầm trọng. "Ngành nghề chưa hồi phục được 100% nhưng cũng khá hơn trước nên nhiều nhân viên về quê đã quay lại, không còn khó tuyển người như trước", quản lý này cho hay.

Sau Tết Nguyên đán, Thế Bằng (quê Bình Định) quay lại TP.HCM và làm việc trong một quán karaoke trên đường Phan Văn Trị. Anh cho biết khoảng một tháng trở lại đây, các quán karaoke trong khu vực đều khá đông khách vào dịp cuối tuần.

Một số đại diện quán karaoke cho biết so với trước dịch, lượng khách hiện đạt 60-80%.

Một số đại diện quán karaoke cho biết so với trước dịch, lượng khách hiện đạt 60-80%.

So với trước dịch, anh nói lượng khách đạt khoảng 60-80%. Một số ngày khách phải đặt chỗ trước nếu không sẽ phải đợi khá lâu hoặc di chuyển sang chi nhánh khác mới còn phòng hát.

"Thấy quán đông khách trở lại, tôi cũng mừng. Nếu tình hình cứ dần ổn định như vậy thì thu nhập chắc sẽ quay lại được như thời trước dịch", Bằng chia sẻ.

Kỳ vọng được mở ổn định

Trong hơn một năm qua, các quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) đã trải qua 3 đợt đóng cửa. Lần gần đây nhất là hồi đầu tháng 3 khi khu vực này trở thành vùng cam.

Lê Thảo My (32 tuổi), nhân viên lễ tân của một quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh, cho biết không nhiều người có thể bám trụ với nghề này qua hai năm dịch bệnh. Đa số những người cùng làm với cô trước đây đều đã chuyển sang công việc khác, một số về quê hiện vẫn chưa trở lại.

"Hai năm qua, karaoke cứ mở rồi đóng liên tục như vậy thì thử hỏi ai còn mặn mà nữa. Đến cả chủ còn khổ sở thì hỏi sao nhân viên không khó khăn".

Tuy vậy, khi cuộc sống về đêm ở TP.HCM dần hồi sinh, Thảo My hy vọng ngành nghề, công việc của mình được ổn định theo.

"Mấy tuần gần đây, thứ 7, chủ nhật, tôi thấy con đường này đã đông đúc trở lại. Người qua lại không hẳn đều đến hát karaoke, có thể họ tới ăn uống, đi trung tâm thương mại nhưng nhịp sống đã tấp nập hơn, không còn cảnh đìu hiu sau 22-23h".

Sau thời gian đóng cửa kéo dài, các quán karaoke phải bỏ ra khoản chi phí lớn để sửa sang phòng ốc, bảo trì máy móc.

Sau thời gian đóng cửa kéo dài, các quán karaoke phải bỏ ra khoản chi phí lớn để sửa sang phòng ốc, bảo trì máy móc.

Tương tự, anh N.T., quản lý một quán karaoke đầu đường Sư Vạn Hạnh, cho biết vào dịp lễ hay cuối tuần, lượng khách ghé quán đã đạt khoảng 60% so với giai đoạn trước dịch.

"Quán phải liên tục đóng mở nên mất nhiều khách quen. Khách của quán chủ yếu là sinh viên, người bình dân. Sau dịch thu nhập của họ giảm mạnh nên đã hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có karaoke", quản lý quán cho hay.

Nếu karaoke không còn phải trải qua thêm đợt đóng cửa nào nữa, anh N.T. ước tính quán mất tầm 1-2 năm mới có thể bù lỗ cho đợt khủng hoảng vừa qua.

"Thời gian dịch bệnh, tất cả các quán karaoke trên con đường này dù lớn hay nhỏ đều điêu đứng. Ngành karaoke là ngành khó chuyển đổi, muốn chuyển sang làm cái mới phải gần như bỏ hết. Nên giờ ai cũng chỉ mong được hoạt động ổn định, chưa dám mơ lượng khách, doanh thu trở lại 100% nhưng những đợt lễ như thế này cũng là cơ hội để kỳ vọng", quản lý chia sẻ.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-karaoke-o-tphcm-lac-quan-post1308550.html