Những ngày gần đây, chiến sự tại Hẻm núi Panjshir giữa các tay súng Taliban với quân kháng chiến vẫn đang diễn ra rất ác liệt, trong đó thất bại ban đầu đang thuộc về phía tấn công.
Mặc dù giành thắng lợi quan trọng ban đầu nhưng dĩ nhiên lực lượng kháng chiến chống Taliban rất hiểu họ khó lòng cầm cự lâu nếu thiếu viện trợ từ nước ngoài.
Chính vì vậy, những hoạt động ngoại giao tích cực đã được tiến hành để tìm kiếm đối tác hỗ trợ, mặc dù chính Mỹ đã rời bỏ Afghanistan nhưng đáng ngạc nhiên khi Washington vẫn được xem như niềm hy vọng lớn.
Còn trong lúc này tại Mỹ, các chính trị gia vẫn đang đánh giá kỹ lưỡng những gì xảy ra ở Afghanistan, đặc biệt là cục diện chiến trường nhằm xác định bước đi phù hợp trong thời gian tới.
Điều cần lưu ý chính là cách mà những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa đại diện của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR), hay còn được gọi bằng cái tên Liên minh phương Bắc 2 - với các thủ lĩnh của Taliban.
Đã hơn 4 ngày trôi qua mà tình hình vẫn căng thẳng và đàm phán chưa dẫn đến kết quả. Có thể trong những ngày tới cũng chẳng có thay đổi nào và đàm phán sẽ bị hủy bỏ...
Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, giới phân tích đã đánh giá về thực trạng này như sau: "Các cuộc đàm phán diễn ra càng lâu thì càng tốt cho FANR, bởi lực lượng kháng chiến của Massoud kéo dài được thời gian và củng cố vị trí của họ".
Trong khi đó, tại Mỹ xuất hiện đánh giá cho rằng mục tiêu chính của các nhà đàm phán quân kháng chiến Afghanistan là kéo dài quá trình thương lượng cho đến ít nhất là ngày 31/8. Nhưng mục tiêu của họ là gì?
Nhà khoa học chính trị người Mỹ L. Hart nói rằng, một vài nghị sĩ nước này "đã nhận được lời kêu gọi từ đại diện của FANR với mong muốn nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp".
Nguồn tin cho biết thêm, Quốc hội Mỹ có thể xem xét lời kêu gọi sau khi "người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Kabul". Cho đến thời điểm đó, thật nguy hiểm cho họ nếu bắt đầu cung cấp ngay việc hỗ trợ cho quân kháng chiến chống Taliban.
Chuyên gia L. Hart bình luận, nếu bây giờ xuất hiện tình huống như vậy, tức là lập tức viện trợ cho Liên minh phương Bắc, thì Quân đội Mỹ tại sân bay Kabul thực sự biến thành con tin.
Nhưng ngay sau khi người Mỹ hoàn thành quá trình sơ tán, Washington có thể bắt đầu cung cấp không chỉ tài chính mà còn hỗ trợ quân sự cho FANR, tổ chức đang kiểm soát Hẻm núi Panjshir.
Bên cạnh đó, còn có thông tin cho rằng các khoản tiền do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đóng băng sẽ được giải ngân ít nhất một phần nhằm tài trợ cho quân kháng chiến.
Như vậy nước Mỹ có thể một lần nữa cố gắng can dự vào cuộc xung đột tại Afghanistan, tuy nhiên lần này Washington sẽ hành động bằng “bàn tay của người khác”.
Trong lúc này, những vấn đề khó khăn đối với việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho quân kháng chiến đã được nêu ra. Trở ngại chính ở chỗ vị thế biệt lập của Hẻm núi Panjshir và còn đang bị phong tỏa bởi Taliban.
Hiện tại lựa chọn duy nhất để quân kháng chiến nhận viện trợ từ bên ngoài chỉ là một cầu hàng không trực thăng kết nối với Tajikistan, nhưng liệu người Mỹ có thể sử dụng nó hay không thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Việt Dũng