Quân khu 2 nỗ lực giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai
Những ngày qua, thiên tai đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh thuộc Quân khu 2.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 đã có mặt kịp thời giúp người dân tại các địa bàn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Anh Du, Phó tư lệnh Quân khu 2 về nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu trong việc giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những ngày qua, mưa lũ gây hậu quả như thế nào đối với các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2?
Thiếu tướng Trần Anh Du: Từ ngày 23-7 đến 1-8, trên địa bàn Quân khu 2, nhất là tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Giang có mưa lớn kéo dài, xảy ra lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hậu quả làm 19 người chết, 3 người mất tích và 9 người bị thương; gần 2.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng (54 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 852 nhà bị hư hỏng; 883 nhà dân bị ngập úng; 160 nhà phải di dời khẩn cấp). Thiên tai còn cuốn trôi, gây hư hại hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu cùng nhiều công trình công cộng. Ước tính thiệt hại hơn 352 tỷ đồng.
PV: Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo các đơn vị giúp nhân dân khắc phục hậu quả như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Trần Anh Du: Ngay khi mưa lũ xảy ra, Bộ tư lệnh Quân khu 2 kịp thời chỉ đạo bộ CHQS các tỉnh nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó; điều động lực lượng, huy động máy móc, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn.
Tính đến ngày 2-8, cơ quan quân sự các địa phương đã chủ trì, phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động gần 7.700 lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thường trực và dân quân các địa phương cùng gần 300 lượt phương tiện các loại giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Kết quả, đã tìm thấy 11 thi thể bị cuốn trôi, vùi lấp do mưa lũ; cứu chữa 9 người bị thương; hỗ trợ di dời khẩn cấp 160 nhà; khắc phục sạt lở các tuyến giao thông.
PV: Hiện nay, công tác giúp nhân dân các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi thiên tai của Quân khu 2 diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Trần Anh Du: Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 2 vẫn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; hỗ trợ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, nhất là tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La. Trong đó nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2); Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên; Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh Sơn La cùng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.
Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã thành lập đoàn công tác đến thăm, hỗ trợ nhân dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai của tỉnh Điện Biên 1.500kg gạo; ủng hộ tỉnh Sơn La 500kg mì ăn liền; hỗ trợ các gia đình có người chết 2 triệu đồng. Tỉnh Điện Biên hỗ trợ gia đình có người chết 18 triệu đồng; hỗ trợ 3,6 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà bị trôi, sập, hư hỏng 70%; Bộ CHQS tỉnh Điện Biên hỗ trợ đồng bào xã Mường Pồn (Điện Biên, Điện Biên) 77 thùng mì ăn liền, 53 thùng nước lọc.
Tỉnh Sơn La hỗ trợ gia đình có người chết 25 triệu đồng; hỗ trợ 1 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà bị cuốn trôi, sập đổ; hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà bị hư hỏng. Bộ CHQS tỉnh Sơn La hỗ trợ gia đình có người chết 2 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
PV: Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ tư lệnh Quân khu 2 có giải pháp gì trong ứng phó?
Thiếu tướng Trần Anh Du: Bộ tư lệnh Quân khu có công điện yêu cầu bộ CHQS các tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ ở các cấp; theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bộ tư lệnh Quân khu 2 cũng yêu cầu bộ CHQS các tỉnh chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối; chủ động điều động lực lượng, phương tiện di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn triển khai biện pháp ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, có các giải pháp bảo đảm an toàn cho các lực lượng, phương tiện khi làm nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm những người bị mất tích...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!