Quân lệnh như sơn
Có lần một đội bóng Hàn Quốc sang Việt Nam đá giao hữu thua trận, cánh phóng viên choáng váng khi thấy tan trận, cả đội xếp hàng một, đội trưởng tiến đến tát mỗi cầu thủ một cái. Sau đó tới lượt đội trưởng đứng nghiêm để huấn luyện viên (HLV) trưởng tát. Tát xong, cả đội túm lại nói chuyện. Mấy anh em phóng viên thì thầm: 'Phải dân mình thì…'.
Bên ngoại nhà tôi có đám con cháu học tập, lao động nhiều ở Hàn Quốc nên khá rành văn hóa xứ kim chi. Ông chủ người Hàn Quốc tin tưởng nên khi đứa em họ tôi về Việt Nam, ông giao quản lý một công ty lớn. Công việc hằng ngày, hằng tuần báo cáo qua mạng. Việc cứ thế suôn sẻ hơn mười năm rồi. Mấy lần đến chơi công ty em họ, tôi nhận thấy công nhân Việt Nam và kỹ sư Hàn Quốc làm việc rất chuyên nghiệp, không trò chuyện phiếm trong giờ lao động. Các khâu, các công đoạn ăn khớp đến từng phút, từng giây. Không có chuyện nhỡ giờ, đến muộn, lý do này nọ. Tóm lại, như đứa em họ nói “một khi đã phát đề thì cán bộ coi thi miễn giải thích”. Đứa em họ tôi luôn đúng giờ, hẹn sai một phút cũng lấy làm day dứt. “Ông chủ Hàn Quốc dạy đó. Họ không dạy suông mà họ làm gương. Hơn 3 năm làm việc ở Hàn Quốc, chưa bao giờ em thấy ông chủ đến trễ giờ”, cô em họ tự hào, hãnh diện kể về người chủ tuyệt vời.
Với người Hàn Quốc, đã là việc chung thì không có việc riêng xen vào. Không có chỗ cho sự tùy tiện cá nhân. Mọi người đều phải tuân tủ quy định, luật lệ đặt ra. Làm tốt: Thưởng. Làm sai: Phạt. Chủ khuyến khích nhân viên làm việc năng suất bằng hai người, trả lương và thưởng gấp rưỡi. Thực ra thì ông chủ sướng hơn, vì tiết kiệm được lương, thưởng nhưng người lao động cũng vui, vì công sức bỏ ra được ghi nhận.
Quay về chuyện bóng đá, xứ kim chi nổi tiếng nghiêm khắc trong văn hóa thể thao. Thế nên, mới có chuyện cả đội bị bợp tai khi thua trận. Có người hỏi: Thế ai bợp tai HLV trưởng? Khả năng là ngài chủ tịch hoặc cũng có thể là… vợ HLV trưởng. Chẳng biết có phải thế không, nhưng mỗi khi dẫn các đội tuyển Việt Nam đá giải, sau mỗi trận đấu, thầy Park đều điện thoại thông báo kết quả cho vợ (bà Choi Sang-a) dù ông Park nhiều lần khẳng định “vợ tôi có biết gì về bóng đá đâu”.
Kể từ khi thầy Park đến với bóng đá Việt Nam, kỷ luật của các đội tuyển được đặt lên hàng đầu, trước cả yếu tố chuyên môn. Đội tuyển U.23 Việt Nam đang dự VCK U.23 châu Á 2020 ở Thái Lan đích thị là một đơn vị độc lập tác chiến; ăn, ngủ, nghỉ, luyện tập, họp bàn chiến thuật… mọi thứ đều đúng giờ, không sai một phút.
Trò chuyện cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân trước khi cùng đội lên đường sang Thái Lan dự giải, tiền đạo Quang Hải tâm sự: “Hồi năm 2018 dự VCK U.23 châu Á ở Thường Châu, anh em trong đội vẫn chưa quen với nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của thầy Park nên thầy trò cũng có lúc căng thẳng. HLV Park Hang-seo rất nóng tính, làm việc không đúng ý là ông quạt luôn. Nhưng giờ mọi chuyện ngon rồi. Anh nào anh nấy cứ khớp lệnh mà tự triển khai phần việc chung riêng. Qua những câu chuyện thầy kể, cầu thủ chúng tôi nhận ra bóng đá Hàn Quốc thể hiện rất rõ nét "quân sự hóa" hoạt động thể thao của xã hội Hàn Quốc, khi mọi việc đều đề cao kỷ luật lên hàng đầu”.
Thầy Park ghét nhất điều gì?
“Ghét những cầu thủ không tập trung trong luyện tập, thi đấu, thiếu sự phục tùng tổ chức, tỏ ra khác biệt trong một tập thể đồng nhất. Ông ghét cá nhân làm ảnh hưởng đến bầu không khí chung, ghét sự khệnh khạng và cuối cùng, ông ghét nhất sự ngụy biện, lấp liếm”, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa tổng kết.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/quan-lenh-nhu-son-607497