Quận Long Biên - Dấu ấn 20 năm phát triển
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Long Biên háo hức với nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập.
Nhiều chương trình, kế hoạch, công trình nằm trong chủ đề công tác năm 2023 “Năm chỉnh trang đô thị, chăm lo đời sống người dân, kỷ niệm 20 năm thành lập quận” đã và đang hoàn thành góp phần không nhỏ tạo dấu ấn một đô thị văn minh, hiện đại, phát triển mạnh mẽ.
Bước chuyển tích cực trong cơ cấu kinh tế
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, trên trục tam giác kinh tế Hà Nội -Hải Phòng - Quảng Ninh với nhiều đầu mối giao thông quan trọng; diện tích tự nhiên rộng, sớm có các quy hoạch đồng bộ, được T.Ư, TP quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, được kế thừa truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của vùng đất địa linh nhân kiệt, 20 năm xây dựng và phát triển, quận Long Biên đã không ngừng đổi thay với tốc độ phát triển mạnh mẽ.
Khi mới thành lập, cơ cấu kinh tế của quận là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Quận chủ trương phải chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, ít ô nhiễm môi trường (điện, điện tử, tin học…) đồng thời kiến nghị di dời các khu công nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi địa bàn; phát triển dịch vụ chất lượng cao, phát triển nhanh hệ thống chợ và các trung tâm thương mại; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa…
Giai đoạn 2005 - 2010, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển mạnh sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Dịch vụ chiếm ưu thế với 55,6%, công nghiệp giảm còn 42,5% và nông nghiệp giảm còn 1,9%. Thu ngân sách tăng trung bình hằng năm 21%. Năm 2009 thu ngân sách đạt 1.070 tỷ đồng tăng gấp 2,19 lần so với năm 2006 (486,8 tỷ đồng).
Giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn quận Long Biên, nhiều trung tâm thương mại lớn hình thành và đi vào hoạt động như BigC, Savico, Vincom, Aeon Mall Long Biên… thương mại, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô… phát triển nhanh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Sản xuất công nghiệp - xây dựng giữ được mức tăng trưởng, đạt 17%. Trong khi đó, diện tích nông nghiệp tuy không còn nhiều nhưng quận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tại các phường: Cự Khối, Phúc Lợi… giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 400 đến 450 triệu/ha tăng bình quân hằng năm 5,5%. Thu ngân sách trung bình đạt 3.833 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm đạt 25,9%.
Giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh việc phát triển hệ thống chợ dân sinh theo quy hoạch, quận tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng bình quân hằng năm về giá trị sản xuất đạt 27,5%. Năm 2020, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 73,39% (tăng 43,59% so với khi mới thành lập). Công nghiệp xây dựng chiếm 26,5%, nông nghiệp giảm còn 0,11%. Quận Long Biên cũng đã đề xuất TP tiếp tục di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, quận tập trung triển khai dồn điền đổi thửa, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì sản xuất, tăng cường quản lý các phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Qua đó, thu ngân sách bình quân hằng năm của quận đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 95% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tốc độ tăng thu bình quân hằng năm đạt 26,57%.
Giai đoạn 2020 - 2023, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ của quận tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ khi tập trung cho thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ logistics. Cùng với đó quận cũng tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống Lệ Mật, trở thành điểm đến du lịch của Hà Nội. Ưu tiên phát triển công nghiệp không ô nhiễm. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong 3 năm (2020 - 2023), mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, quận Long Biên đã thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế. Do đó, kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trung bình đạt 12,09%; trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ là 11,85%, ngành công nghiệp - xây dựng là 12,8%, ngành nông nghiệp là 0,21%, phù hợp với định hướng phát triển thương mại - dịch vụ.
Năm 2021, thu ngân sách của quận đạt 12.772 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, đây là năm quận đạt số thu cao nhất trong 20 năm qua (gấp gần 48 lần so với ngày đầu thành lập). Năm 2022, thu ngân sách đạt 8.510,4 tỷ đồng, đạt 100,1% dự toán. 9 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách ước đạt 7.635,4 tỷ đồng đạt 67% dự toán giao đầu năm. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số DN trên địa bàn tăng nhanh với 10.152 DN đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so với năm 2004 (647 DN) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trường, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, lãnh đạo quận Long Biên cho biết, trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển đô thị; triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách; tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, huy động các nguồn lực để tham gia phát triển quận ngày càng vững mạnh.
20 năm và hơn 1.300 dự án hạ tầng đô thị được triển khai
Công tác quy hoạch luôn đi trước một bước để mở đường cho đầu tư hạ tầng đô thị, tạo tiền đề để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và ngày càng bền vững là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt chặng đường 20 năm qua của Đảng bộ quận.
Quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của TP được phân cấp về quy hoạch, có quy hoạch đồng bộ tỷ lệ 1/2000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở đó, quận đã chủ động xây dựng các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị và ô chức năng, hoàn thiện khớp nối quy hoạch chi tiết bảo đảm tính liên hoàn và có sự phân kỳ đầu tư.
Giai đoạn 2013 - 2023, quận đã lập và thẩm định 186 đồ án chi tiết và tổng mặt bằng, đưa diện tích đất được quy hoạch 1/500 lên gần 1.600 héc ta, tập trung triển khai các dự án với kinh phí gần 4 nghìn tỷ đồng bảo đảm tiêu chí đồng bộ hiện đại.
Giai đoạn 2013 - 2023, quận Long Biên tiếp tục chọn khâu đột phá về đầu tư hạ tầng; phối hợp với các sở, ngành, TP tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung thủ đô, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị N10, cụ thể hóa quy hoạch sông Hồng và sông Đuống, công bố 31 đồ án quy hoạch, phê duyệt 143 đồ án quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 đưa diện tích đất được lập quy hoạch chi tiết lên 2.645 héc ta, bằng 170% so với giai đoạn 10 năm trước.
Trên cơ sở quy hoạch, 350 dự án đã được triển khai với số vốn 13.000 tỷ đồng cùng với khoảng 36 nghìn tỷ đồng dành cho các dự án ngoài ngân sách thực sự là nguồn lực rất lớn dành cho đầu tư phát triển đô thị; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Sau khi hoàn thành đã góp phần tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại trên địa bàn quận, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân.
20 năm qua, trên địa bàn quận đã triển khai hơn 1.300 dự án đầu tư, với tổng kinh phí trên 123.288,9 tỷ đồng. Trong đó, có 1.109 dự án từ ngân sách với số vốn đầu tư 28.288,9 tỷ đồng (bao gồm 617 dự án hạ tầng kỹ thuật, 492 dự án hạ tầng xã hội). 1.063 dự án trong số đó thực hiện theo phân cấp và 46 dự án thuộc nhiệm vụ chi của Thành phố.
Đặc biệt, quận cũng đã huy động nguồn lực lớn ngoài ngân sách gần 95.000 tỷ đồng triển khai 193 dự án. Những dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nối tiếp nhau hình thành, trong đó nhiều dự án lớn như Khu đô thị Vinhomes, dự án Khai Sơn City, cầu Vĩnh Tuy, nút giao cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5, nút giao trung tâm quận Long Biên, sân golf Long Biên… Nhiều tuyến phố, các tòa nhà cao tầng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn hình thành đã làm thay đổi diện mạo đô thị của Long Biên ngày càng khang trang, hiện đại. Đặc biệt, năm 2023, hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập, quận đã và đang hoàn thành 20 công trình thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Song song với công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai được tập trung rà soát, phân loại và quản lý, chống lấn chiếm; khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho Nhân dân.
Đến 6/2023, 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong các năm 2021 - 2023, Quận quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/QU của Quận ủy về quản lý đất đai; đặc biệt chú trọng tới khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện xử lý, khắc phục vi phạm về đất đai theo Kết luận thanh tra số 4415/KL-STNMT-TTr, số 316/KL-STNMT-TTr của Sở TN&MT.
Tỷ lệ các công trình được cấp phép xây dựng tăng cao. Năm 2004 toàn Quận có 15% công trình xây dựng có phép, nhưng đến nay Long Biên trở thành quận có tỷ lệ cấp phép xây dựng cao, đạt trên 99%. Nhiều đề án, phương án trong lĩnh vực quản lý đô thị được triển khai.
Kinh tế chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại song kết quả lớn nhất của quận Long Biên sau 20 năm thành lập đó là ý thức đô thị của người dân ghi nhận những chuyển biến tích cực, đặc biệt là mô hình các câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường được thành lập tại 14/14 phường, huy động đông đảo người dân tham gia. Việc xây dựng Long Biên xanh, sạch, đẹp, văn minh đã trở thành việc làm thường xuyên và từng bước trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân. Đến nay toàn quận có 67 tuyến phố, tuyến đường đạt tiêu chí văn minh đô thị cấp quận, 6 phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.
Năm 2023 đánh dấu tròn 20 năm thành lập, một dấu mốc quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn quận đều hướng đến cũng như kỳ vọng Long Biên tiếp tục phát triển ngày càng toàn diện hơn, trở thành quận đáng sống.
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Long Biên thuộc TP Hà Nội với diện tích 6.038,24ha, 14 đơn vị hành chính gồm các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang; tổng số dân toàn quận là 170.706 người. Khi thành lập, Đảng bộ quận Long Biên có 41 cơ sở Đảng với 7.071 đảng viên. Đến tháng 6/2023, toàn quận có 225 tổ dân phố, 351.346 nhân khẩu (tăng 2,06 lần so với thời điểm thành lập); 75 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 17.696 đảng viên (tăng 2,5 lần so với thời điểm thành lập).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-long-bien-dau-an-20-nam-phat-trien.html