Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Là tỉnh có số lượng di tích khá lớn, nên công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các ngành, địa phương quan tâm triển khai góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Bia ký tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh được bảo vệ bằng hàng rào gỗ và đặt camera giám sát.
Mang theo nhiều giá trị gắn với một vương triều nổi tiếng trong lịch sử, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách. Hằng năm, di tích đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Ban Quản lý di tích đã xây dựng đề cương Dự án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu di tích Lam Kinh”. Công tác quản lý khai thác di tích được gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Hằng năm, Ban Quản lý di tích phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, viên chức, người lao động và Nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường; bảo vệ di tích, không chăn thả vật nuôi trong khu vực di tích, không thực hiện các hành vi xâm hại đến di tích... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di tích.
Trưởng Ban Quản lý di tích Hồ Hà Hải cho biết: “Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ di tích trong cộng đồng; tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích cho cán bộ, viên chức, người lao động; quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại; lắp đặt 100 mắt camera giám sát tại các khu vực chính điện, thái miếu, lăng mộ, bia ký... để hỗ trợ quản lý di tích; lắp đặt hàng rào kỹ thuật bằng gỗ, có biển báo hướng dẫn du khách tham quan nhằm tránh những tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến hiện vật. Cùng với đó, bố trí người kiểm tra, giám sát thường xuyên hệ thống báo cháy, camera, đường dây điện và các điểm thuộc di tích để phát hiện sớm những bất thường”.
Thực tế hiện nay cho thấy, để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, cấp ủy chính quyền các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến công tác tu bổ, phục hồi các di tích; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá thực trạng các di tích trên địa bàn, từ đó lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo dựa trên các nguồn kinh phí khác nhau; lập quy hoạch, dự án bảo quản và tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng phương án phòng ngừa các hành vi xâm hại di tích, bảo vệ hiện vật quý hiếm; khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới di tích. Các lễ hội gắn với di tích được triển khai theo nếp sống mới, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của địa phương; chỉ đạo các địa phương thành lập các ban quản lý di tích; xây dựng quy chế hoạt động...
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, các quy định, văn bản của cấp trên trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Qua đó, các di tích xuống cấp được cập nhật kịp thời, nhiều di tích được kiểm kê, xếp hạng; nhiều đề án, dự án được triển khai, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2021 đến nay, có thêm 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 190 lượt di tích/dự án được thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư; 91 lượt di tích/dự án được hỗ trợ kinh phí đầu tư, bảo quản, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích gắn liền với phát triển du lịch. Do đó các di tích đã và đang được xây dựng biển giới thiệu, biển chỉ dẫn, ứng dụng chuyển đổi số trong di tích để phục vụ việc nghiên cứu, tham quan, chiêm bái của Nhân dân và du khách.
Song do số lượng di tích trên địa bàn tỉnh tương đối lớn; ý thức bảo vệ di tích của cộng đồng chưa đồng đều; công tác quản lý đôi lúc còn chưa chặt chẽ... Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục và không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, đơn vị và Nhân dân.