Quản lý bệnh tăng huyết áp, ghi nhận từ trạm y tế xã

Để giảm gánh nặng về bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp nói riêng, thời gian qua, ngành Y tế Quảng Trị đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Qua đó, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương mà không phải đi xa như trước đây.

 Người dân kiểm tra huyết áp tại Trạm Y tế xã Cam Nghĩa. Ảnh: NHN

Người dân kiểm tra huyết áp tại Trạm Y tế xã Cam Nghĩa. Ảnh: NHN

Ông Lê Văn Khế là một trong gần 300 người bị tăng huyết áp đang được Trạm y tế xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc điều trị theo nguyên lý y học gia đình. Nếu như trước đây, khi trạm y tế chưa triển khai hoạt động này, định kỳ hằng tháng ông Khế phải đến Trung tâm y tế huyện để khám, nhận thuốc điều trị. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho ông, cũng như những bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp trên địa bàn xã Cam Nghĩa.

“Tôi bị bệnh tăng huyết áp nhiều năm nay và hằng tháng phải nhờ con cháu chở đi hơn 10 km đường đèo dốc để ra Trung tâm y tế huyện thăm khám, nhận thuốc uống. Mỗi lần như vậy, tôi thấy rất bất tiện, nhất là vào mùa mưa đường sá trơn trượt, đi lại khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, từ khi trạm y tế triển khai chương trình quản lý, cấp phát thuốc vào hoạt động, tôi cũng như người dân nơi đây cảm thấy rất vui và yên tâm điều trị bởi bất cứ lúc nào thấy mệt mỏi là ra ngay trạm y tế để được các y, bác sĩ đo huyết áp, tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt. Do đó, hiện nay sức khỏe của tôi cũng ổn định hơn trước đây nhiều”, ông Lê Văn Khế cho biết.

Để công tác quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế xã có hiệu quả, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang bị thêm một số thiết bị y tế phục vụ việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân; chủ động lên kế hoạch, phối hợp với các đơn vị tuyến trên, đặc biệt là Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng về truyền thông, tư vấn, chế độ ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế trạm, y tế thôn và đại diện các ban, ngành, đoàn thể từ thôn đến xã.

Song song với đó, tất cả người dân từ 40 tuổi trở lên hiện đang sinh sống trên địa bàn xã được khám, đo huyết áp sàng lọc nhằm xác định tỉ lệ tăng huyết áp và các yếu tố liên quan để đưa vào giám sát, quản lý… Qua đó, số lượng người bị biến chứng giảm đáng kể, đồng thời giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại, dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất ngay tại địa phương mà không phải đi xa như trước đây.

“Trước khi triển khai mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình, tất cả cán bộ trạm y tế đã được đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực chuyên môn nhằm thực hiện tốt việc chẩn đoán, xử trí và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe như: Đo huyết áp, chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp hằng ngày… Nhờ vậy mà số lượng bệnh nhân bị biến chứng, cũng như chuyển lên tuyến trên thời gian qua đã giảm rõ rệt”, bác sĩ Trần Văn Trường, Trưởng Trạm y tế xã Cam Nghĩa cho biết.

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Do đó, việc đưa bệnh nhân tăng huyết áp về quản lý, cấp thuốc điều trị tại trạm y tế là một chủ trương đúng, phát huy được vai trò của trạm y tế cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân trong quá trình chăm sóc và điều trị.

Nguyễn Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149325