Quản lý các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ
Lâu nay, vẫn còn tình trạng nhiều ngư dân sử dụng lưới kích thước mắt nhỏ, các ngư cụ mang tính hủy diệt gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Vì vậy, việc quản lý các cơ sở kinh doanh ngư cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp cho ngư dân khai thác thủy, hải sản bền vững.
Tình trạng sử dụng lồng bát quái khai thác hải sản vẫn còn phổ biến ở các địa phương ven biển của tỉnh.
Tìm hiểu thực tế ở các địa phương ven biển, nhiều cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ nhỏ lẻ bày bán cùng với hàng tạp hóa, đồ gia dụng... Tình trạng buôn bán các ngư lưới cụ có tính hủy diệt cao vẫn xảy ra, mặc dù đã được cơ quan có liên quan kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm.
Không quá khó khăn để mua một bộ lồng bát quái (còn gọi là lờ dây, lồng xếp, rọ lồng, lưới bóng lồng...) được du nhập từ Trung Quốc. Thông thường một bộ lồng bát quái dài khoảng 5-10m, gồm nhiều khung lồng liên kết với nhau bằng áo lưới có kích thước mắt lưới từ 6-10mm. Do lồng bát quái đánh bắt nhiều loại đối tượng và cho hiệu quả cao, tính năng xếp gọn, kỹ thuật khai thác đơn giản nên được nhiều ngư dân sử dụng. Hiện nay, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ vẫn còn buông lỏng, chưa có sự liên kết giữa các ngành chuyên môn có liên quan. Đơn cử, như: lực lượng quản lý thị trường chỉ kiểm tra các thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến sản phẩm ngư lưới cụ; chưa chú trọng đến những ngư lưới cụ cấm khai thác thủy, hải sản, kích thước mắt lưới... Còn cơ quan chuyên môn khác chỉ khi kiểm tra, kiểm soát ngư dân hoạt động khai thác thủy, hải sản, khi phát hiện vi phạm mới xử lý theo quy định.
Trước thực trạng trên, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, các ngành liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển cần chủ động phối hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh, cung ứng ngư lưới cụ không bảo đảm tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh, cung ứng vật tư cho các cơ sở có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác thủy, hải sản phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố, thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định của pháp luật; hàng hóa không thuộc danh mục những loại ngư lưới cụ bị cấm sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, khuyến cáo ngư dân lựa chọn, sử dụng các loại ngư lưới cụ phù hợp để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh gây thiệt hại cho hệ sinh thái tự nhiên.
Các ngành có liên quan của tỉnh tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra liên tục đối với hoạt động kinh doanh ngư lưới cụ bị cấm trong khai thác thủy, hải sản tại các chợ, điểm kinh doanh. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán ngư lưới cụ, trang thiết bị cấm, không có nguồn gốc xuất xứ, các tiểu thương thu mua, buôn bán, tàng trữ sản phẩm thủy sản khai thác bằng nghề cấm tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, điều tra truy xuất nguồn gốc các đầu mối kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy, hải sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, công bố công khai các đối tượng vi phạm và kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/quan-ly-cac-co-so-kinh-doanh-ngu-luoi-cu/123141.htm