Quản lý chặt chất thải y tế
Ði liền với công tác khám, chữa bệnh, quản lý chất thải y tế là một trong những nhiệm vụ được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng để tránh những tác động xấu đối với môi trường và cuộc sống.
Theo thống kê của Sở Y tế, tại 5 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, trung bình mỗi ngày phát sinh 406 m3 nước thải và 131 kg chất thải rắn y tế nguy hại. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế có nhiều giường bệnh nhất, hiện có 770 giường bệnh thực kê, lượng nước thải y tế phát sinh là 250 m3/ngày và chất thải rắn nguy hại phát sinh 90 kg/ngày.
Từ tháng 5/2018, khu xử lý chất thải y tế cụm do Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý đã đi vào hoạt động, xử lý rác thải của các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Nội tiết, Y học cổ truyền, Sản - Nhi và Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai. Tại đây, 100% chất thải lây nhiễm được xử lý bằng công nghệ không đốt (hấp khử trùng bằng hơi nước, nghiền, cắt nhỏ). Việc sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường làm giảm đáng kể nguồn khí thải có nguy cơ ô nhiễm từ các lò đốt ra môi trường. Các hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện đều được sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả xử lý cao như công nghệ AAO (phương pháp bùn hoạt tính) + MBBR (đệm sinh học), công nghệ hóa lý và vi sinh…
Ông Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, xử lý chất thải y tế để góp phần bảo vệ môi trường cũng như không để xảy ra nguy cơ lây lan dịch bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của khu xử lý chất thải rắn y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, đồng thời hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị sẽ không đáp ứng được công suất khi nâng chỉ tiêu giường bệnh lên 800 - 1.000 giường.
Tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện mỗi ngày phát sinh 248 m3 nước thải và 239 kg chất thải rắn nguy hại, công tác xử lý cũng được đánh giá là đạt quy định. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới trên địa bàn tỉnh góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường y tế nói riêng. Đến nay, 100% bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã được đầu tư lò đốt 2 buồng có hệ thống xử lý khí thải công nghệ Nhật Bản. Việc thay thế những lò đốt thủ công không có hệ thống xử lý khí thải bằng những lò đốt công nghệ hiện đại này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí và nguy cơ độc hại cho chính các nhân viên tại cơ sở y tế.
Trong những năm gần đây, 12 lò đốt (2 buồng có hệ thống xử lý khí thải) đã được đầu tư cho các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực; 12 hệ thống xử lý nước thải y tế được xây dựng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, đồng thời có 6 lò đốt, 4 hệ thống xử lý nước thải được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Nước thải y tế tại các cơ sơ y tế cũng được xử lý theo quy định. Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các cơ sở dự phòng tuyến tỉnh đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế để đảm bảo nước thải xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Ngoài ra, các hệ thống xử lý khí thải từ các phòng xét nghiệm được đầu tư xử lý bằng phương pháp hấp thụ, đảm bảo khí thải được xử lý theo quy định. Trước đây, các cơ sở y tế đều phát sinh một lượng nước rửa phim X-quang có chứa chất độc hại, tuy nhiên hiện nay các đơn vị đã được đầu tư chuyển sang dùng X-quang kỹ thuật số, do đó giảm thiểu được lượng lớn chất thải y tế nguy hại.
Nhằm kiểm soát, quản lý chặt chẽ chất thải y tế, hằng năm, Sở Y tế đều thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá các bệnh viện, trong đó có nội dung thực hiện quy định về quản lý chất thải y tế. Các đơn vị thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra chéo. Hằng năm, 100% trạm y tế trên địa bàn được trung tâm y tế các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường. Nguồn nhân lực cũng được chú trọng đào tạo. Trước năm 2011, toàn ngành chỉ có 68 cán bộ làm công tác quản lý về rác thải y tế nhưng đều là kiêm nhiệm. Sau 10 năm, toàn ngành có 203 cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế đã được tham gia tập huấn và đào tạo. Đặc biệt, một số đơn vị đã có cán bộ chuyên môn về môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường y tế tại các cơ sở.
Công tác quản lý chất thải y tế hiện nay còn không ít khó khăn. Theo nhìn nhận của Sở Y tế, kinh phí đầu tư cho việc xử lý chất thải y tế rất tốn kém, trong khi ngân sách của các đơn vị hạn hẹp. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có đơn vị đủ điều kiện thu mua chất thải y tế tái chế, đồng thời việc kiểm tra, giám sát chất thải y tế gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí cho việc quan trắc môi trường y tế.
Chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại có chứa nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe con người như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy… nếu không được tiêu hủy an toàn. Bởi vậy, ngành y tế đã và đang nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất thải y tế đúng theo quy định để góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng môi trường y tế “xanh - sạch - đẹp”.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/quan-ly-chat-chat-thai-y-te-z5n2020080615243336.htm