Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải bằng xe ô tô

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Kiểm tra xe khách trước khi xuất bến. (Ảnh minh họa)

Kiểm tra xe khách trước khi xuất bến. (Ảnh minh họa)

Theo đó, sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện (riêng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị) tối thiểu các nội dung chính gồm: Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.

Trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.

Khi xe đang hoạt động trên đường, bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: Theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. Các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị để theo dõi.

Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của người lái xe, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện phải lắp) đảm bảo luôn hoạt động; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc, bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường.

Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: Phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động thí điểm; trong đó lưu ý tính toán kỹ lộ trình tuyến đường khai thác, số lượng phương tiện hoạt động trên một tuyến, tần suất chạy xe, quy hoạch các điểm dừng, đón trả khách… nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, khẩn trương tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm, làm cơ sở xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về việc mở thêm cổng kết nối cho các doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Việc thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch bằng ô tô 2 tầng, thoáng nóc tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, tăng cường an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của khách du lịch trong nước và quốc tế, tiến tới tăng cường mức độ hấp dẫn và phát triển du lịch...

Theo VGP

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/quan-ly-chat-che-hoat-dong-van-tai-bang-xe-o-to-524912.html