Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực
Ngày 27/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 Vùng miền Trung và Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến đến 19 địa phương miền Trung – Tây Nguyên.
Báo cáo tình hình KT-XH vùng Tây Nguyên cho biết: Tình hình phát triển KT-XH trong 7 tháng đầu năm của các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên tốc độ tăng trưởng GRDP (tăng 2,72% trong 6 tháng đầu năm) của Vùng giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cao hơn trung bình cả nước (1,81%) và chỉ đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm (Lâm Đồng tăng 0,51%, Đắk Lắk tăng 2,28%, Gia Lai tăng 3,01%, Đắk Nông tăng 4,99%, và Kon Tum tăng 7,32%).
Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân của Vùng đạt 6,55%/năm. Các địa phương đều cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH, riêng Lâm Đồng đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về KT-XH. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của Vùng, đóng góp nhiều vào phát triển KT-XH, nhất là tại các địa phương Lâm Đồng, Đắk Lắk, nhiều hình thức liên kết trong du lịch đã được hình thành.
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI toàn vùng đạt 994 triệu USD với 151 dự án; trong đó, Lâm Đồng thu hút 105 dự án với tổng vốn đăng ký là 528 triệu USD. Toàn Vùng Tây Nguyên có 21 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, mức vốn bình quân một doanh nghiệp là trên 8 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2020, toàn Vùng đã có 272 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 38% số xã; một số địa phương có số xã đạt tỷ lệ chuẩn cao như Lâm Đồng 65%, Đắk Lắk 40,1%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân hơn 2%/năm, từ gần 15% năm 2016 xuống còn 4,6% năm 2020, an sinh – xã hội được đảm bảo.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của Vùng ước đạt 51,6% kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (49,1%). Các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020 đều cơ bản hoàn thành, góp phần trực tiếp, quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 của vùng Tây Nguyên là tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh, thông minh và đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường; huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh của Vùng gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học và công nghệ, an toàn về môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, làm tốt công tác định canh định cư cho đồng bào di cư tự do.
Riêng mục tiêu chung năm 2021 là: Chủ động phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của Vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho biết: Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Bộ đổi mới công tác lập kế hoạch, thông qua hệ thống thông tin của Bộ, tổ chức theo vùng để giảm bớt quá trình đi lại của các địa phương, để các địa phương nắm được tình hình chung của nhau, liên kết, học hỏi lẫn nhau và tăng cường phối hợp với Bộ KH-ĐT để hiểu biết và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo sự chủ động cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo tập trung hiệu quả. Bộ trưởng nhận định: Chúng ta đang chuẩn bị kết thúc kế hoạch 5 năm và 10 năm, nên đây là hội nghị quan trọng nhất để nhìn lại 5 năm, 10 năm vừa qua; chúng ta phải chuẩn bị gì cho thời gian sắp tới để xây dựng Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhanh hơn và mạnh hơn; nhất là trong thời kỳ có rất nhiều thách thức, nhưng có rất nhiều cơ hội cho đất nước và địa phương.
Bộ trưởng cũng lưu ý, kế hoạch phát triển KT-XH phải bám sát các định hướng được xây dựng trong các văn kiện Đại hội Đảng các cấp; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và con người; vì dân là gốc của quá trình phát triển, nên xây dựng kế hoạch đầu tư phải tạo động lực trong phát triển, hướng tới người dân, quan tâm đến chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội, phải quan tâm đến hạnh phúc của người dân nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa…; tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn lực sản xuất, chứ không phải trông chờ vào việc bán đất; tập trung vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít đất, sử dụng ít lao động, nhưng có đóng góp cao, tham gia vào các chuỗi giá trị…