Quản lý chặt chẽ thuế tài nguyên môi trường

Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hiện vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến số thuế được kê khai, nộp vào ngân sách chưa đúng với thực tế.

Nguồn thu chưa tương xứng

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm mỏ đất, cát được đưa vào khai thác. Việc khai thuế được thực hiện theo phương thức doanh nghiệp tự khai, tự nộp. Tuy nhiên, trong thực tế, có thời điểm, giá bán trên thị trường cao hơn so với giá kê khai, khiến công tác quản lý thuế tài nguyên còn gặp nhiều khó khăn.

Quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản sẽ góp phần đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Ảnh: Thanh Nhị

Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Bình Sơn Lê Minh Trung cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 mỏ cát được cấp phép khai thác. Cơ quan thuế đã thực hiện thu thuế tài nguyên đối với các đơn vị khai thác. Lâu nay, việc thu thuế tài nguyên gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho ngành thuế. Bởi ngành thuế chỉ quản lý thu, nhưng không thể kiểm tra, đối chiếu với sản lượng khai thác.

Những tháng gần đây, giá cát tăng cao, do đó, ngành thuế đang tiến hành rà soát, xác minh giá bán thực tế để khai bổ sung và thực hiện truy thu đối với thuế tài nguyên cát vàng trong xây dựng theo đơn giá mới là 245.000 đồng/m3 (giá cũ là 105.000 đồng/m3) của UBND tỉnh. Qua đó, đã truy thu hơn 2 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên cát theo giá mới.

Theo Cục Thuế tỉnh, trong 2 năm 2019 và 2020, tổng số tiền thuế, phí thu được từ tài nguyên cát trên địa bàn là hơn 35,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên cát là hơn 28,4 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường cát là gần 7,2 tỷ đồng. Năm 2021, ngành thuế được giao dự toán thu thuế tài nguyên 110 tỷ đồng, với thuế đất, đá, cát, sỏi khoảng 40 tỷ đồng, còn lại là thuế tài nguyên nước.

Bên cạnh thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường là khoản thu mà ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố hưởng 100%, để thực hiện công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Mức thu phí cũng được quy định cụ thể, cao nhất là 270.000 đồng và thấp nhất là 1.500 đồng trên một đơn vị tính. Tuy nhiên, việc thu loại phí này lâu nay cũng “khai sao thu vậy”. Trong khi đó, xe chở đất, cát lại hoạt động rầm rộ, chở quá tải trọng, đổ đất, nước rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường, khiến đường nhanh xuống cấp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông...

Tăng cường công tác phối hợp

Dù đã có nhiều nỗ lực thu thuế tài nguyên, nhưng do không quản lý được sản lượng khai thác thực tế, dẫn đến số thu chưa tương xứng. “Có tình trạng số khai của doanh nghiệp có sự chênh lệch rất lớn so với khối lượng khai thác, nhưng ngành thuế lại không có chức năng kiểm tra tại nơi khai thác, mà Sở TN&MT là đơn vị quản lý việc khai thác khoáng sản”, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho biết. Để kiểm soát được vấn đề này, đòi hỏi Sở TN&MT phải kiểm tra, yêu cầu chủ mỏ phải có sổ ghi chép hằng ngày theo quy định về sản lượng khai thác, vận chuyển, làm các thủ tục đóng mỏ. Trên cơ sở đó, ngành thuế sẽ theo dõi, trường hợp nào nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ thuế tài nguyên sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép...

Hoạt động khai thác cát trên sông Trà Khúc, đoạn qua địa bàn TP.Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, ngành thuế đang phối hợp với Sở TN&MT triển khai phần mềm quản lý chung về tất cả các thông tin liên quan đến vấn đề tài nguyên, góp phần nâng cao công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp các loại thuế, phí có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản; xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghĩa vụ kê khai và nộp thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn đối với việc mua bán tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ...

Cùng với những nỗ lực của ngành thuế, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin trong việc quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng tài nguyên vẫn “chảy” đi, nhưng không thu được thuế, phí.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202106/quan-ly-chat-che-thue-tai-nguyen-moi-truong-3060170/