Quản lý chặt để không thể gian lận hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đã phát sinh nhiều trường hợp gian lận trong việc sử dụng hóa đơn điện tử. Ngành Thuế đang rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại quy trình quản lý hóa đơn điện tử nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng để gian lận hóa đơn điện tử.
Hóa đơn điện tử tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hệ thống Hóa đơn điện tử (HĐĐT) ra đời với những tính năng nổi trội đã giải quyết được phần lớn các bài toán về quản lý thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT, người nộp thuế (NNT) gặp một số vướng mắc, khó khăn như: tình trạng hóa đơn bị sai sót, các thủ tục điều chỉnh còn bất cập; một số lĩnh vực kinh doanh với các loại hình phát hành hóa đơn khác nhau trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề cần được giải quyết; quy định về giao dịch điện tử còn phức tạp và chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh; quy trình, hướng dẫn triển khai HĐĐT của cơ quan thuế còn chưa hoàn chỉnh, nhiều DN còn lúng túng, vướng mắc khi áp dụng...
Sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, ngành Thuế đang sửa đổi quy trình quản lý HĐĐT giúp hệ thống HĐĐT được vận hành có hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, hiện nay có hiện tượng phát hành và sử dụng HĐĐT trái pháp luật nhằm gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, tính tuân thủ của NNT còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chưa sẵn sàng tiếp cận HĐĐT do bị hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực; thói quen sử dụng hóa đơn truyền thống; tâm lý ngại thay đổi hay quan ngại về nhà cung cấp phần mềm; vấn đề an toàn, bảo mật khi sử dụng trên môi trường internet..., do đó, những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện quy định về việc quản lý, sử dụng HĐĐT từ ngày 1/7/2022, thời gian qua cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, qua đó góp phần vào triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Sửa quy trình quản lý đơn giản, dễ hiểu hơn
Để cập nhật vướng mắc từ thực tiễn, Tổng cục Thuế đã tổ chức nhiều hội thảo trong ngành và ngoài ngành, nhằm lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Tại cuộc họp với cơ quan thuế các địa phương mới đây, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, để triển khai các quy định về HĐĐT kể từ ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 5/10/2021 (Quy trình 1447).
Sau một thời gian triển khai cho thấy, đã phát sinh nhiều trường hợp gian lận trong việc sử dụng HĐĐT, đòi hỏi phải có những giải pháp để ngăn chặn. Ngoài các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trong thời gian tới, cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy trình 1447 nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng để gian lận HĐĐT, trên cơ sở các quy định hiện hành, đáp ứng tình hình thực tế phát sinh.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy trình 1447 theo nguyên tắc. Thứ nhất, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì các nội dung tại quy trình vẫn phải đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành.
Thứ hai, quy trình HĐĐT phải có sự xác định rõ phạm vi công việc tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy trình khác liên quan đến quản lý HĐĐT như quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và quy trình kiểm tra hóa đơn ban hành kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Thứ ba, khai thác tối đa các thông tin hiện có trên cơ sở dữ liệu HĐĐT và các dữ liệu từ các phân hệ quản lý thuế khác (TMS, TTR, TPR, Etax…) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp không đáp ứng điều kiện về sử dụng HĐĐT, góp phần hạn chế tối đa việc gian lận trong sử dụng HĐĐT.
Thứ tư, quy định tối đa các bước trong quy trình quản lý HĐĐT, chứng từ điện tử phải được hỗ trợ tự động từ hệ thống quản lý HĐĐT, hạn chế tối đa thực hiện công việc trực tiếp từ cán bộ thuế đến cơ quan thuế theo hình thức thủ công.
Tại cuộc họp này, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và cục thuế tham dự đều thống nhất quan điểm quy trình quản lý HĐĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1447/QĐ-TCT ngày 5/10/2021 từ khi ban hành đến nay đã phát sinh nhiều vướng mắc cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế phát sinh.
Góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy trình quản lý HĐĐT, ông Lê Thanh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH HĐĐT M-invoice cho rằng, để ngăn chặn triệt để tình trạng mua bán, sử dụng HĐĐT không hợp pháp, trước hết ngành Thuế cần tuyên truyền sâu rộng và đấu tranh quyết liệt hơn nữa với hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng hóa đơn cần đơn giản, dễ hiểu hơn, nhất là tránh tình trạng có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau. Song song đó, các văn bản hướng dẫn về hóa đơn cần được thông qua Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để đảm bảo tính thống nhất, logic về mặt dữ liệu nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, giúp cảnh báo và phát hiện sớm các hành vi gian lận HĐĐT, nhanh chóng xử lý triệt để.