Quản lý chặt điều kiện xe đưa đón học sinh

Bên cạnh những chính sách phát triển giao thông đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ hiện đang được Bộ Giao thông vận tải soạn thảo và lấy ý kiến cũng đưa ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả loại hình xe đưa đón học sinh. Theo đó, các quy định có yêu cầu cụ thể về kỹ thuật và nhận diện đối với phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh cũng như trách nhiệm của các nhà trường, cơ sở giáo dục. Những quy định mới đưa ra trong dự thảo này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận.

Những năm qua, tại không ít địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh, khiến một số trẻ em tử vong hoặc bị thương tật rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô hiện chưa có bất cứ quy định nào, trong khi dịch vụ này đang phổ biến, nhất là ở thành phố lớn. Vì chưa có quy định nên xảy ra nhiều bất cập như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm... Chính vì vậy, việc có thêm những quy định về quản lý loại hình dịch vụ này là rất cần thiết.

 Xe đưa đón học sinh tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Xe đưa đón học sinh tại phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Theo dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Giao thông vận tải quy định xe đưa đón học sinh phải bảo đảm một số quy định sau: Bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 2 năm kinh nghiệm; xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.

Các trường học muốn tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương, gồm: Hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung. Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí một quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn suốt chuyến đi.

Nếu ô tô trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có 2 quản lý. Các trường có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn; xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong phân luồng, điều tiết giao thông.

Anh Nguyễn Văn Công ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, có hai con đang theo học tại Trường THCS Marie Curie Hà Nội, cho biết: “Trước khi có quy định được đưa thành luật, trường của con tôi cũng đã có nhiều quy định, quy chế cụ thể về xe đưa đón. Ngoài lái xe, lúc nào xe cũng có giáo viên đi cùng và hằng ngày cô đều chụp ảnh hoặc thông báo với cha mẹ khi con lên xe, xuống xe vào trường. Tuy nhiên, để nói yên tâm hoàn toàn thì chưa nên tôi rất đồng tình khi các cơ quan chức năng đưa ra quy định cụ thể thành luật về hoạt động xe đưa đón học sinh”.

Ghi nhận tại các trường học, đa số xe đưa đón học sinh đều được nhà trường ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Ông Đỗ Văn Tịnh, lái xe của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh cho nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội, cho rằng, qua dự thảo luật cho thấy rõ các quy định về việc đưa đón học sinh đã được siết chặt hơn. Việc siết chặt như vậy là phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn trong đưa đón học sinh.

Ông Đỗ Văn Tịnh cho biết: “Hiện nay, đường phố Hà Nội thường xuyên ùn tắc, biển cấm đỗ xuất hiện rất nhiều, chính vì vậy, việc di chuyển của các xe đưa đón học sinh rất khó khăn. Việc dự thảo quy định xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ rất tốt. Các đề xuất nêu trên nhằm phân biệt rõ xe đưa đón học sinh với các xe kinh doanh vận tải khác, tạo cơ chế quản lý chặt xe đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và nhà trường vào hoạt động này. Hiện các xe đưa đón học sinh của trường học đều dán logo, decal trường ở sườn, trước xe nên theo tôi, việc yêu cầu đăng ký màu sơn riêng là không cần thiết”.

Về vấn đề này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: “Nếu các quy định này được thực hiện, nhiều doanh nghiệp phải bổ sung một số thiết bị an toàn, đào tạo lái xe, người quản lý học sinh khiến chi phí tăng. Nhưng nếu không thực hiện sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, đổi mới xe, trang bị bảo đảm an toàn cho học sinh. Quy định này sẽ đáp ứng được thực tế, đòi hỏi khách quan.

Theo tôi, bất kể ai khi tham gia giao thông, nếu thấy phương tiện đưa đón học sinh đều sẽ ưu tiên hơn, chính vì vậy, nếu có điều kiện, chúng ta có thể quy định một màu sơn nhận diện thống nhất giống như xe buýt. Tất cả các quy định đều hướng đến tiêu chí an toàn làm cơ sở, tôi nghĩ việc thực hiện những quy định này rất khả thi và không khó để thực hiện”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/quan-ly-chat-dieu-kien-xe-dua-don-hoc-sinh-743300