Quản lý chặt giá cả, tránh 'lương chưa tăng giá đã tăng'

Chiều 16/6, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã giải đáp về việc quyết định giá vé máy bay, các giải pháp điều hành giá để tránh 'lương chưa tăng giá đã tăng', tuyên truyền công khai, minh bạch công tác quản lý, tránh lạm phát kỳ vọng.

Bộ Giao thông vận tải quyết định giá vé máy bay

Về tăng giá trần vé máy bay, theo đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể: Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là nhà chức trách hàng không.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Do đó, để đánh giá rõ, tính toán mức tăng, thì Bộ Giao thông vận tải là bộ được giao thẩm quyền đánh giá toàn bộ các nội dung liên quan, phương pháp và cách thức định giá. Tăng ở mức độ nào, tùy theo đánh giá chi phí và tình hình thị trường, Bộ Giao thông vận tải sẽ có đánh giá cụ thể.

Cơ quan báo chí cùng vào cuộc, tuyên truyền tránh lạm phát kỳ vọng

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về các giải pháp trong quản lý, điều hành giá trong thời gian tới, nhất là thời điểm sắp tăng lương cơ sở 1/7 sắp tới, đại diện Cục Quản lý giá đã có câu trả lời cụ thể.

Theo đó, công tác điều hành quản lý giá mang tính chất liên tục, thường xuyên. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên đưa ra kịch bản, các phương pháp để điều hành giá trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn.

Các cơ quan quản lý thường xuyên lên kịch bản ứng phó với các biến động tăng giá.

Các cơ quan quản lý thường xuyên lên kịch bản ứng phó với các biến động tăng giá.

Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động triển khai các giải pháp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao.

Thời gian tới, để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu, theo đại diện Cục Quản lý giá, cơ quan quản lý sẽ bám sát thị trường để kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược, xăng dầu, nắm bắt tình hình cân đối cung cầu. Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Để tránh lạm phát tâm lý, các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác thông tin truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Việc tuyên truyền, tránh tạo lạm phát kỳ vọng cũng là điều Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh ngay sau phát biểu của đại diện Cục Quản lý giá. Theo đó, người phát ngôn của Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để tuyên truyền công khai, minh bạch công tác chỉ đạo điều hành giá của các cơ quan quản lý, để tạo sự đồng thuận trong dư luận./.

Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán kỹ để tăng lương không ảnh hưởng lạm phát

Phát biểu tại Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã nhấn mạnh: “Trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi tính toán rất kỹ rồi, cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt mục tiêu CPI không vượt quá 4,5%” ./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-chat-gia-ca-tranh-luong-chua-tang-gia-da-tang-130198.html