Quản lý chất lượng bữa ăn học đường

Cuối tháng 11 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã chính thức kết luận, vụ việc gần 80 em học sinh của 3 trường tiểu học trên địa bàn TP Rạch Giá bị đau bụng, nôn, phải nhập viện vào trung tuần tháng 11 là do ngộ độc thực phẩm.

Vụ việc này đã tiếp tục “nối dài” danh sách các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học (bữa ăn bán trú), khiến các phụ huynh hết sức lo lắng. Không lo sao được khi những năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm học đường xảy ra với tần suất ngày càng dày hơn, quy mô lớn hơn, thậm chí đã có trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) vào tháng 11-2022, khiến hơn 660 học sinh nhập viện, 1 em tử vong.

Cùng với nỗi lo ngộ độc thực phẩm, một trăn trở lớn của các bậc cha mẹ là chất lượng bữa ăn bán trú ở không ít nơi chưa bảo đảm, quá thấp so với số tiền bỏ ra. Hình ảnh suất cơm trị giá 32.000 đồng nhưng “lèo tèo vài món, ăn không đủ no” mà các phụ huynh của một trường THCS ở Hà Đông (Hà Nội) chụp lại, đăng lên mạng xã hội mới đây khiến nhiều người ái ngại. Chất lượng bữa ăn của các em chỉ được cải thiện sau khi phụ huynh và nhà trường tích cực kiểm tra, giám sát...

Các em học sinh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Kiên Giang. Ảnh: Vietnamnet

Các em học sinh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Kiên Giang. Ảnh: Vietnamnet

Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học và nhiều trường THCS trên địa bàn cả nước tổ chức ăn bán trú. Điều này giúp cha mẹ học sinh yên tâm, không mất thời gian đưa đón, lo bữa ăn trưa cho con ở nhà; các em cũng đỡ phải đi lại, có thời gian nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe để nâng cao hiệu quả học tập. Thế nhưng, điều này chỉ có ý nghĩa khi chất lượng bữa ăn của các em đủ dinh dưỡng và đạt yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Có một thực tế là hầu hết các trường học không tổ chức bếp ăn mà đặt suất ăn từ các công ty sản xuất suất ăn công nghiệp. Do vậy, để quản lý chất lượng bữa ăn bán trú, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, cần phải bắt đầu từ những công ty này. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sản xuất suất ăn công nghiệp muốn hoạt động đều phải đáp ứng đủ các điều kiện chặt chẽ về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có đủ diện tích để nấu ăn; nhân viên phải được cấp chứng chỉ về an toàn, vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành chức năng. Cần phải tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của các bộ, ngành; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót. Mặt khác, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của hiệu trưởng trên cương vị người đứng đầu trường học ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp suất ăn nếu chất lượng bữa ăn không bảo đảm; cần xử lý nghiêm hiện tượng lãnh đạo nhà trường nhận “hoa hồng” để rồi buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, dễ dãi, xuê xoa với những vi phạm của doanh nghiệp.

Ngộ độc thực phẩm, ăn uống không đủ dinh dưỡng không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và việc học tập của học sinh mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển thể trạng, trí lực, tầm vóc của trẻ và chất lượng giống nòi. Vì vậy, bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường phải được xác định là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của mỗi người.

PHƯƠNG HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quan-ly-chat-luong-bua-an-hoc-duong-754165