Quản lý chất lượng mủ cao su để tăng cạnh tranh

Phát triển xanh và quản lý chất lượng mủ cao su theo hướng xanh là những kế hoạch của ngành chế biến, xuất khẩu cao su đặt ra để cạnh tranh trong năm 2024.

Vừa qua, châu Âu cũng đã đưa ra quy định EUDR nhằm hướng tới giá trị xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất và khai thác gỗ, mủ cao su.

Thu hoạch mủ tại nông trường cao su Lộc Ninh.

Thu hoạch mủ tại nông trường cao su Lộc Ninh.

Từ những yêu cầu của thị trường này, ngành cao su Việt Nam xác định, nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành cao su là điều phải thực thi trước nhất để đưa ngành phát triển bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu diện tích cao su cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 800.000 đến 850.000 ha; trong đó, cao su tiểu điền chiếm 52%, cao su đại điền chiếm 48%.

Theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, Việt Nam đã có hơn 200.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC (hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia), với 100% diện tích này là các diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (Hội đồng quản lí rừng bền vững). Hiện nay, với những tiêu chí do nhà nhập khẩu châu Âu và các thị trường khác đặt ra, khiến ngành cao su Việt Nam phải lập lộ trình thực hiện và tuân thủ các tiêu chí khi tham gia sân chơi quốc tế.

Đóng gói sản phẩm tại công ty Cổ phần cơ khí cao su BRC

Đóng gói sản phẩm tại công ty Cổ phần cơ khí cao su BRC

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sản xuất bình quân hơn 500.000 tấn cao su các loại như lốp xe, nệm, gối cao su, bóng thể thao các loại, găng tay, chỉ sợi cao su, dây chuyền băng tải… Các sản phẩm này đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy.

Ngoài ra, VRG còn có thế mạnh là chế biến gỗ nhờ vào nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu bền vững. Từ những dòng sản phẩm cao su Việt Nam, hiện ngành chế biến mủ cao su Việt Nam đã thâm nhập hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, nhờ vào việc quản lý chất lượng cao su từ khâu trồng đến chế biến.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực giảm nguồn cung cao su nên tạo đà khăn hiếm, đồng thời nhu cầu thị trường tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sản xuất lốp xe của thị trường Trung Quốc đang phát triển, chính là cơ hội cho người trồng cao su Việt Nam nói chung, nông dân sản xuất cao su Bình Thuận nói riêng.

Đóng gói sản phẩm tại công ty Cổ phần cơ khí cao su BRC

Đóng gói sản phẩm tại công ty Cổ phần cơ khí cao su BRC

Sự khan hiếm nguồn cung giúp đẩy giá mủ cao su lên cao, lực lượng lao động trong ngành cao su có thêm nguồn thu nhập ổn định. Trong tỉnh Bình Thuận có khoảng 10 cơ sở lớn nhỏ mua và sơ chế mủ cao su, hầu hết tập trung ở Tánh Linh và Đức Linh, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là “đầu tàu” vừa sản xuất vừa thu mua và chế biến xuất khẩu, là mắc xích cho sự phát triển của ngành cao su Bình Thuận.
Nắm được nhu cầu của thị trường cần nguồn cung lớn và đa dạng trong nguồn nguyên liệu cao su, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã có chiến lược phát triển dòng sản phẩm mới phù hợp với tiêu chí khách hàng, cũng đảm bảo các tiêu chí môi trường do nhà nhập khẩu đưa ra.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, ngoài sản phẩm cao su thiên nhiên, hiện thị trường thế giới đang cần nguồn nguyên liệu cao su hỗn hợp rất lớn. Vì vậy, VRG đã bổ sung thêm sản phẩm cao su hỗn hợp cho nguồn sản phẩm cung ứng được nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đa dạng chủng loại của Tập đoàn.
Sản phẩm cao su hỗn hợp đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Trung Đông… tăng khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong sản xuất, kinh doanh, có thị trường đa dạng và có nhiều sự lựa chọn đầu ra cho đơn vị. Quy trình sản xuất các dòng sản phẩm này được Tập đoàn áp dụng 4 tiêu chuẩn TCCS về Quy định kỹ thuật chất lượng và Quy trình công nghệ chế biến cao su hỗn hợp là TCCS 116:2022, TCCS 117:2022, TCCS 119:2023, TCCS 120:2023.
Ông Trương Minh Trung nhấn mạnh, công tác quản lý chất lượng mủ cao su, đặc biệt là quản lí chất lượng mủ trong sản xuất cao su hỗn hợp tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người lao động trong ngành cao su của VRG. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các công ty cao su thành viên cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao su hỗn hợp để khai thác các lợi thế của sản phẩm hiện có, gia tăng giá trị, tăng thêm cơ hội bán hàng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong công tác quản lý hàm lượng mủ cao su, tập trung các giải pháp củng cố, tăng cường công tác quản lý hàm lượng mủ cao su khai thác, thu mua, gia công, đảm bảo tin cậy, khách quan, minh bạch, tạo niềm tin cho người lao động, khách hàng.

Bên cạnh việc quản lý chất lượng mủ cao su, ngành cao su Việt Nam cũng tìm hướng đi để quản lý cả vườn cao su từ khâu trồng đến thu hoạch, nhằm giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh tế bằng giải pháp kỹ thuật nông nghiệp, ứng dụng cơ giới trong các khâu làm đất, bón phân, phun thuốc phòng trị bệnh cây nhằm đẩy nhanh tiến độ chăm sóc đúng lúc về nhu cầu sinh trưởng cây trồng, giảm phụ thuộc công lao động phổ thông, tiết kiệm chi phí.

Hồng Nhung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-ly-chat-luong-mu-cao-su-de-tang-canh-tranh/336855.html