Quản lý chất thải y tế, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm

Hoạt động khám, điều trị bệnh phát sinh ngày càng nhiều chất thải, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh quan tâm khắc phục khó khăn, đầu tư nguồn lực, từng bước nâng hiệu quả thu gom, bảo quản và xử lý chất thải y tế (CTYT).

Phát sinh đến đâu, thu gom đến đó

Hoạt động khám, điều trị tại các bệnh viện làm phát sinh nhiều chất thải nguy hại, có khả năng ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác thu gom, bảo quản và xử lý CTYT theo quy trình.

 Nhân viên vệ sinh Bệnh viện Ung bướu tỉnh phân loại rác thải tại kho bảo quản.

Nhân viên vệ sinh Bệnh viện Ung bướu tỉnh phân loại rác thải tại kho bảo quản.

Mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu tỉnh tiếp nhận khám, điều trị khoảng 400 bệnh nhân, nhiều trường hợp phải xạ trị nên lượng chất thải phát sinh lớn, trong đó có nhiều vỏ chai, lọ chứa thuốc, hóa chất gây độc tế bào và gây hại đối với môi trường. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng CTYT nguy hại phát sinh tại bệnh viện hơn 9 tấn, trong đó có gần 1 tấn chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao. Để xử lý lượng rác thải này, trong quá trình thu gom, Bệnh viện chủ động phân loại ngay tại các khoa, phòng…

Theo đó, tại mỗi khoa, phòng đều đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định (xanh, vàng, đen, trắng) cho từng loại và có bảng hướng dẫn phân loại gắn trên các thùng rác; khu vực lưu giữ được xây dựng riêng biệt, có cửa kín, biển cảnh báo. Cùng đó, Bệnh viện ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ, thương mại Môi trường Xanh (Hải Dương) thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh cho biết: “Cùng với quan tâm đầu tư cho công tác quản lý CTYT, chúng tôi chú trọng tập huấn, đào tạo và truyền thông cho cán bộ, viên chức bệnh viện, bệnh nhân và người nhà về phân loại, quản lý chất thải”.

Năm 2023, tại các cơ sở y tế trong tỉnh phát sinh hơn 1,9 nghìn tấn chất thải y tế, tăng gần 150 tấn so với năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng chất thải phát sinh hơn

Toàn tỉnh hiện có 8 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thị xã, TP và khu công nghiệp; 209 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cùng đó có gần 700 cơ sở y, dược tư nhân, trong đó có 15 bệnh viện, 31 phòng khám đa khoa, còn lại là phòng khám chuyên khoa, y học cổ truyền. Những năm gần đây, các cơ sở được đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu nên lượng người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tăng, CTYT vì thế cũng tăng. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh phát sinh hơn 1,9 nghìn tấn CTYT, tăng gần 150 tấn so với năm 2022. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng chất thải phát sinh hơn 1 nghìn tấn.

Tại Bệnh viện Mắt quốc tế DND, dù lượng rác thải phát sinh ít song cơ sở cũng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc xử lý theo quy định. Chất thải được thu gom hằng ngày và tập kết, phân loại tại khu vực riêng, xa nơi đón tiếp, khám, điều trị cho người bệnh. Tương tự, để quản lý lượng rác thải phát sinh, TTYT huyện Tân Yên xây dựng kho chứa riêng cho từng loại: Nguy hại, thông thường và tái chế. Đặc biệt, Trung tâm đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng kho lạnh chứa chất thải nguy hại. Bà Giáp Thị Yến Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (TTYT huyện Tân Yên) cho biết: “Dù lượng rác thải nguy hại phát sinh ít (khoảng 300 kg/tuần) song khi phát sinh, chúng tôi tiến hành thu gom, phân loại và vận chuyển đến kho lạnh bảo quản ngay”.

Tiếp tục quan tâm đầu tư

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải và ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải với các đơn vị có đủ năng lực. Những cơ sở mở rộng quy mô giường bệnh đều được bố trí kinh phí để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, kho lưu trữ chất thải đáp ứng được với lượng chất thải phát sinh. Tại các cơ sở y tế, phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải” do Sở Y tế phối hợp với công đoàn ngành phát động được thực hiện hiệu quả, góp phần thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên qua đánh giá, hệ thống xử lý nước thải tại một số đơn vị đưa vào vận hành đã lâu, máy bơm, máy thổi khí và thiết bị điện của nhà điều hành thường xuyên bị hỏng. Lò đốt chất thải tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hầu hết không đạt chuẩn nên không hoạt động, toàn bộ chất thải rắn nguy hại được chuyển lên TTYT huyện, thị xã, TP để xử lý. Bác sĩ Lăng Văn Ái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đại Sơn (Sơn Động) cho biết: “Do lượng CTYT nguy hại phát sinh dưới 10 kg/tháng nên đến cuối tháng chúng tôi mới vận chuyển lên TTYT huyện tập kết, xử lý. Chủ yếu là bơm, kim tiêm thuộc loại chất thải nguy hại bắt buộc phải xử lý tập trung theo quy trình. Tuy nhiên do xa trung tâm, không có phương tiện chuyên dụng nên quá trình vận chuyển gặp khó khăn”.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý CTYT, ngày 15/7 vừa qua, Sở Y tế có văn bản giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá thực trạng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Cùng đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách quản lý CTYT tại các đơn vị; có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những việc cần thực hiện để giảm thiểu chất thải.

Căn cứ tình hình thực tế cũng như lượng bệnh nhân, các cơ sở có kế hoạch bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý chất thải ngay tại đơn vị. Điển hình, năm nay, Bệnh viện Ung bướu tỉnh có kế hoạch cải tạo hệ thống xử lý nước thải, kinh phí dự kiến hơn 200 triệu đồng. TTYT huyện Tân Yên bố trí kinh phí để mua thêm thùng, túi đựng rác; Bệnh viện Mắt quốc tế DND có kế hoạch ký thêm 1-2 hợp đồng lao động để thu gom, quét dọn tại khu vực khám, điều trị... Sở Y tế đang tham mưu với UBND tỉnh đầu tư lắp đặt mới hệ thống xử lý nước thải y tế cho các trạm y tế; hỗ trợ kinh phí hằng năm cho việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp.

Ông Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý CTYT, Sở đang tham mưu dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý, giám sát vận hành công trình, hệ thống xử lý CTYT tại đơn vị, bảo đảm 100% chất thải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quan-ly-chat-thai-y-te-kiem-soat-nguy-co-lay-nhiem-092310.bbg