Quản lý chặt thị trường sách và đồ dùng học tập trước thềm năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học mới, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động kiểm tra, quản lý thị trường sách, đồ dùng học tập nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 50 cơ sở kinh doanh mặt hàng sách giáo khoa, thiết bị đồ dùng học tập, trong đó chỉ có một số ít nhà sách lớn, còn lại là cơ sở kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo thời vụ.

Những ngày qua, các cửa hàng sách trên địa bàn tỉnh đã nhập số lượng lớn sách, đồ dùng học tập để phục vụ nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường sách, đồ dùng học tập, bình ổn cung cầu, tránh để xảy ra tình trạng khan hàng, cháy hàng; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với việc chào bán sách lậu, sách giả và đồ dùng học tập kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng lậu trà trộn vào thị trường.

Người dân đến mua sách tại nhà sách Oanh Bình, thành phố Lạng Sơn

Người dân đến mua sách tại nhà sách Oanh Bình, thành phố Lạng Sơn

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Từ giữa tháng 7/2024, Cục QLTT đã yêu cầu đội QLTT các huyện, thành phố tăng cường nắm địa bàn. Cùng đó tổ chức ký cam kết thực hiện văn minh thương mại đối với 100% hộ kinh doanh sách, văn phòng phẩm; tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán sách đồ dùng học tập nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Trên cơ sở đó, gần 1 tháng nay, các đội QLTT trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát đối với 100% cơ sở kinh doanh mặt hàng sách, đồ dùng học tập.

Các đơn vị chủ yếu kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sách giáo dục, chất lượng các loại đồ dùng học tập; hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; việc chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ...

Qua kiểm tra cho thấy các cửa hàng đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đến nay không phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh; hàng hóa bày bán đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ghi nhãn hàng đầy đủ, không có hàng giả, hàng hóa vi phạm, hàng không đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Cùng với kiểm tra, thành viên tổ công tác tích cực tuyên truyền đến chủ cơ sở kinh doanh các quy định pháp luật trong quá trình kinh doanh sách và đồ dùng học tập. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người kinh doanh.

Bà Trần Thị Tám, chủ cửa hàng sách, văn phòng phẩm tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Trong quá trình đến kiểm tra, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, nhắc nhở gia đình tôi không kinh doanh những mặt hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ; tuyên truyền các mức phạt với từng lỗi vi phạm khác nhau... Chính vì vậy, tôi luôn tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, kinh doanh các loại sách từ hệ thống phân phối chính thức của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty sách, thiết bị trường học có uy tín để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, Sở GD&ĐT cũng đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện tốt việc mua sách và phân phối sách cho học sinh.

Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã tuyên truyền đến các đơn vị, trường học thực hiện mua sách từ các hệ thống phân phối chính thức của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và của các công ty sách, thiết bị trường học có uy tín. Căn cứ Chỉ thị 643 ngày 10/6/2022 của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, sở sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vào đầu mỗi năm học, việc cung ứng và tiêu dùng sách giáo khoa, đồ dùng học tập chiếm số lượng lớn. Với việc quan tâm QLTT đối với mặt hàng này, tin rằng tại Lạng Sơn sẽ không có hiện tượng cung ứng sách, văn phòng phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng giả, hàng nhái đến tay người tiêu dùng.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-cuong-quan-ly-thi-truong-sach-va-do-dung-hoc-tap-truoc-them-nam-hoc-moi-5018251.html