Quản lý, củng cố các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.136 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 6.029 người. Để phục vụ nhu cầu khai thác thủy hải sản của ngư dân, các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ xuất hiện ngày càng nhiều với 110 cơ sở.
Xã Hải Triều (Hải Hậu) là địa phương có thế mạnh về khai thác thủy hải sản; trong đó làng chài Tân Minh có nghề truyền thống làm lưới chấp. Hầu hết những người đan lưới cũng chính là những người trực tiếp ra khơi nên họ đan lưới bằng cái tâm của người làm nghề, rất tỉ mỉ, cẩn thận để khai thác có hiệu quả và không gây hại cho nguồn lợi thủy sản. Các sản phẩm lưới của Tân Minh là những sản phẩm đã có “thương hiệu”, được thị trường tin cậy, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các quy định của pháp luật. Lưới chắp ở Hải Triều có hai loại lưới dùng để đánh bắt xa bờ và gần bờ với kích thước mắt lưới khác nhau. Lưới đánh bắt xa bờ có cấu tạo từ 300 đến 500 mắt/m2, cao từ 48-52m, dài đến 15km. Loại lưới này có thể đánh những loại cá to từ 3 đến 4 tạ nên sợi lưới cứng và rất chắc chắn. Lưới đánh bắt gần bờ có 3 màng lưới, mỗi màng được thiết kế với kích thước lưới và mắt lưới khác nhau, do đó, lưới khai thác được nhiều loại cá ở các tầng nước khác nhau mà vẫn có độ “cuốn” và “bắt”, không để lọt cá trong quá trình khai thác. Loại lưới này hoạt động hiệu quả với độ sâu trong khoảng 30-80m thuộc phạm vi thả lưới dùng để đánh bắt các loại cá bé nên sợi lưới rất mềm. Với chất lượng sợi lưới tốt cộng với những cải tiến phù hợp với đặc điểm khai thác nên lưới chấp Hải Triều có độ bền cao, chất lượng tốt, thuận tiện, hiệu quả và năng suất; góp phần giảm thiểu tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn khai thác thủy sản bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như nguồn lợi thủy sản. Đối với khai thác thủy sản ven bờ, nhiều người dân đã dùng mọi biện pháp để tăng sản lượng khai thác sau mỗi chuyến đi biển như giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng xung điện đánh bắt theo kiểu tận diệt, nhiều ngư dân còn sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ, nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trước thực trạng đó, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, khuyến cáo ngư dân lựa chọn, sử dụng các loại ngư lưới cụ phù hợp để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh gây thiệt hại cho hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời tăng cường phối hợp với ngành liên quan, các địa phương ven biển nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, cung ứng ngư lưới cụ không đảm bảo tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh, cung ứng vật tư cho các cơ sở có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố, thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định của pháp luật, hàng hóa không thuộc danh mục những loại ngư lưới cụ bị cấm sử dụng do Bộ NN và PTNT quy định hoặc quy định bổ sung của UBND tỉnh như: không sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; không sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện… Khi phát hiện các cơ sở sản xuất ngư cụ mang tính hủy diệt như lưới quét, giã cào…, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời.
Việc quản lý, củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất ngư cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi sinh, môi trường biển, giúp cho ngư dân khai thác thủy, hải sản bền vững và hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài của chính người dân./.
Bài và ảnh:Thanh Hoa