Quản lý doanh nghiệp nhà nước cần có chế độ tiền lương tương xứng
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước rất lớn nhưng tiền lương, quyền lợi chưa phù hợp. Do vậy, cần có chế độ tiền lương, lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành.
Tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước sáng 3/3, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận vai trò của khu vực này rất lớn, đầy thách thức, nhưng tiền lương và quyền lợi chưa tương xứng.
Ông Dũng cho rằng hiện doanh nghiệp nhà nước không có sự tự chủ, người lao động, nhất là cấp quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy tối đa năng lực.
"Doanh nghiệp phải chọn, bổ nhiệm quản lý có trình độ, kinh nghiệm, và cần có chế độ tiền lương, lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành", Bộ trưởng nói.
Hiện, doanh nghiệp quyết mức lương của người lao động, còn cấp quản lý do Chính phủ ban hành. Lương cơ bản của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khoảng 16-36 triệu đồng một tháng. Khi công ty có lãi, lợi nhuận vượt kế hoạch, mức này được tính thêm hệ số, thưởng, tối đa 86,4 triệu đồng một tháng. Quy định trên áp dụng từ 2013 đến nay.
Chẳng hạn, năm 2022, thu nhập lao động bình quân 10-12 triệu đồng một tháng, riêng khối tập đoàn, tổng công ty là 17-18 triệu đồng. Lãnh đạo trung bình 40 triệu đồng một tháng, còn tại các tập đoàn, tổng công ty 60-70 triệu đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Để các doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển KTXH và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) theo hướng có giải pháp cho doanh nghiệp nhà nước chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật 69/2014/QH13, trong đó, tập trung nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là công ty đại chúng đang thua lỗ, chuyển giao dự án đầu tư, tài sản giữa các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao tài sản từ doanh nghiệp nhà nước về địa phương, xử lý về đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.