Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư ở thành phố Nam Định
Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm ANTT xã hội. Từ năm 2016-2017, thực hiện Đề án 979/ĐA-UBND của UBND thành phố Nam Định về quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật đã thực sự phát huy hiệu quả, qua đây phòng ngừa sớm... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Qủan lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm ANTT xã hội. Từ năm 2016-2017, thực hiện Đề án 979/ĐA-UBND của UBND thành phố Nam Định về quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật đã thực sự phát huy hiệu quả, qua đây phòng ngừa sớm, không để thanh, thiếu niên trở thành đối tượng hình sự, góp phần ngăn ngừa phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Từ thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên thiếu rèn luyện tu dưỡng dẫn đến đạo đức xuống cấp, do không nhận thức đầy đủ về các hành vi, bị các đối tượng xấu lôi kéo vào thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau; nhiều đối tượng vi phạm pháp luật nhiều lần, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý các đối tượng vi phạm. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố trong tổ chức thực hiện đề án, tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên, vận động gia đình quản lý, giáo dục con em… Trong đó, Phòng GD và ĐT thành phố phối hợp triển khai thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, quản lý và sử dụng pháo… Thành Đoàn phối hợp tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy, trật tự an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Phòng Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố phối hợp thẩm định hồ sơ xử lý các vụ, việc đối tượng vi phạm pháp luật có đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên hoặc các vụ xâm hại thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã tham mưu triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú với nội dung cụ thể thiết thực. Trong 5 năm, Ban chỉ đạo thành phố và các phường, xã huy động hàng trăm lượt cán bộ cơ sở, các đoàn thể xã hội tham gia tuyên truyền vận động, kết hợp với các buổi họp tổ dân, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn, hội. Ban văn hóa thông tin các phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền lưu động, in treo 1.100 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về công tác quản lý, giáo dục và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội; công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật; kết hợp công tác quản lý địa bàn để gặp gỡ, động viên các gia đình có con em trong diện quản lý, giáo dục. Triển khai một số nội dung của Đề án, Ban Chỉ đạo 138 thành phố và Ban chỉ đạo 138 các phường, xã đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” và “Toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội”. Với sự tham gia của các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội như: Công an, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Đẩy mạnh giáo dục cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về lòng yêu nước, đạo đức, lối sống; nâng cao hiểu biết pháp luật, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội; đối với các gia đình có con em có biểu hiện vi phạm, đã gặp gỡ vận động trực tiếp, phối hợp đưa các em vào diện quản lý giáo dục.
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ, sau 5 năm thực hiện Đề án về quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn thành phố Nam Định đã phát huy hiệu quả tích cực. Toàn thành phố xảy ra 839 vụ phạm tội về trật tự, an toàn xã hội, lực lượng Công an đã điều tra làm rõ 686 vụ, đạt 81,8%; trong đó có 455 đối tượng bị khởi tố, trong đó 40 đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, 415 đối tượng từ đủ 18 tuổi đến 30 tuổi. Tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp như: ma túy đá, thuốc lắc, ketamin, cỏ Mỹ… trong giới trẻ có xu hướng giảm thiểu; tình trạng ảo giác “ngáo đá” gây hậu quả rất nguy hiểm cho xã hội giảm thiểu. Hiện tại, số thanh, thiếu niên có hồ sơ quản lý về nghiện ma túy giảm còn 4 người; nghi nghiện 71 người. Số thanh, thiếu niên vi phạm trong các vụ tai nạn, va chạm giao thông từ năm 2016 đến tháng 6-2021 giảm còn 70 trường hợp. Các phường, xã đã tiến hành lập hồ sơ quản lý, giáo dục 712 trường hợp (trong đó có 186 học sinh).
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật, thời gian tới thành phố Nam Định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên. Qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phạm tội ở thế hệ trẻ, giữ ổn định trật tự xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên phấn đấu cống hiến, thực sự là những chủ nhân tương lai của thành phố./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh