Quản lý hồ sơ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên nền tảng số

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), các cấp, các ngành đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa trong quản lý hồ sơ đối tượng chính sách, chi trả trợ cấp. Việc sử dụng phần mềm quản lý hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều và quản lý, chi trả trợ cấp đối với đối tượng BTXH đã góp phần minh bạch, đồng bộ thông tin, chi trả đúng, kịp thời cho đối tượng thụ hưởng.

Việc quản lý hồ sơ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Ảnh: Kim Ly

Việc quản lý hồ sơ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Ảnh: Kim Ly

Trước đây, việc quản lý hộ nghèo và đối tượng BTXH được thực hiện theo phương pháp khảo sát, lập biểu thủ công nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý do không thống nhất từ cấp tỉnh đến huyện, xã.

Việc khai thác thông tin chi tiết về hộ nghèo, đối tượng BTXH dựa hoàn toàn vào cấp xã, nên số liệu nhiều đơn vị không thống nhất, rõ ràng, có nhiều chồng chéo.

Những bất cập trên dẫn đến việc triển khai chính sách đến các hộ nghèo, đối tượng BTXH còn chậm, công tác phối hợp thực hiện các chính sách giảm nghèo ở các cấp không đồng bộ.

Để khắc phục những bất cập này, năm 2015, tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều, đến năm 2017 tiếp tục đưa hệ thống phần mềm quản lý và chi trả trợ cấp đối với đối tượng BTXH.

Hệ thống phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai trên 3 cấp. Mỗi đơn vị cấp xã được cấp 1 tài khoản sử dụng phần mềm quản lý hộ nghèo riêng, phần mềm được sử dụng trên hệ thống internet, toàn bộ thông tin đầu vào của hộ nghèo, người nghèo do cấp xã là đơn vị quản lý cập nhật; cấp huyện và cấp tỉnh là cấp quản lý sẽ xem được toàn bộ hệ thống báo cáo, nhưng không chỉnh sửa được thông tin.

Máy chủ hệ thống được đặt tại Trung tâm dữ liệu (Sở Thông tin và Truyền thông), tên miền sử dụng được cấp riêng cho hệ thống phần mềm. Hiện nay, 136/136 xã, phường, thị trấn, 9 đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh (Sở LĐ- TB&XH) đều thực hiện quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và thông tin chi tiết trên hệ thống phần mềm.

Việc triển khai phần mềm quản lý và chi trả trợ cấp đối với đối tượng BTXH cũng thực hiện tại 3 cấp: Cấp tỉnh (Sở LĐ-TB&XH), cấp huyện (Phòng LĐ- TB&XH) và cấp xã. Cấp xã là đơn vị cập nhật thông tin chi tiết về đối tượng BTXH, cấp huyện và cấp tỉnh là cấp quản lý. Máy chủ hệ thống được đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện phần mềm, cơ sở dữ liệu của từng xã, phường, thị trấn đã được các địa phương nhập đầy đủ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo; các đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh đã tạo sự thống nhất trong quản lý các đối tượng bằng việc mỗi hộ nghèo, đối tượng BTXH được đặt 1 mã số thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Phần mềm cũng có khả năng thông tin chi tiết về hộ nghèo, đối tượng BTXH của từng huyện và xã được theo dõi đầy đủ, kịp thời, chính xác; theo dõi biến động tăng, giảm tại từng địa phương cấp xã; phân loại được các hộ theo nhóm, giới tính, độ tuổi, thu nhập, khu vực…

Cấp xã chủ động được việc in, cấp giấy chứng nhận cho đối tượng; danh sách chi tiết, sổ bộ quản lý đối tượng được thiết lập trên hệ thống rõ ràng, tiện lợi cho công tác theo dõi, quản lý hộ nghèo, đối tượng BTXH tại mỗi địa phương.

Hệ thống phần mềm tổng hợp, các biểu phân tích chi tiết số liệu theo yêu cầu đã giúp việc xây dựng báo cáo, phân tích, tham mưu thực hiện chính sách của tỉnh thuận lợi, chính xác hơn, tạo được mức độ tin cậy về số liệu với UBND tỉnh và các ngành liên quan.

Việc triển khai hệ thống phần mềm đã giúp đội ngũ cán bộ LĐ-TB&XH cấp huyện, cấp xã thường xuyên nâng cao được năng lực trong ứng dụng phần mềm, nắm bắt kịp thời những chính sách liên quan đến hộ nghèo.

Đồng thời, giúp công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách với hộ nghèo, đối tượng BTXH được thuận lợi, thông tin về đối tượng thụ hưởng chính sách được công khai, minh bạch.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả việc sử dụng 2 phần mềm trên, Sở LĐ-TB&XH sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, có kỹ năng tư vấn, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thu thập thông tin an sinh xã hội.

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đối tượng trợ giúp xã hội đảm bảo chính xác; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống khai báo thông tin đơn giản để đối tượng dễ dàng tiếp cận… góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội, tạo điều kiện thực hiện tốt nhất an sinh xã hội.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/76465/quan-ly-ho-so-ho-ngheo-doi-tuong-bao-tro-xa-hoi-tren-nen-tang-so.html